Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:14 (GMT +7)
Nâng cao trách nhiệm của phụ nữ trong phòng chống tệ nạn xã hội
Thứ 4, 19/05/2021 | 08:49:48 [GMT +7] A A
Những năm qua, phát huy vai trò của mình, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng các mô hình can thiệp tại cộng đồng liên quan đến phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Qua đó, đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội của các cấp Hội đó là việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/2002/NQLT giữa Bộ Công an và Trung ương Hội LHPN Việt Nam về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội, 100% cơ sở Hội đã đăng ký thi đua, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn mình sinh sống.
Đồng thời, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo đến từng cơ sở hội, vận động các hộ gia đình ký cam kết thực hiện quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; phát động cán bộ, hội viên, gia đình tham gia đăng ký thi đua xây dựng gia đình văn hóa, chú trọng vào việc xây dựng những điển hình tiêu biểu để tạo nên sức lan tỏa trong cộng đồng.
Với nhiều hoạt động tuyên truyền tích cực, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 13 lớp tập huấn và 3 buổi tuyên truyền về kiến thức và Luật Phòng chống mua bán người; pháp luật về Hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình cho 1.628 cán bộ, hội viên phụ nữ.
Tại các địa phương, Hội cũng đã phối hợp với lực lượng công an, tổ chức các hội nghị tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, kỹ năng nuôi dạy con cái, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gái...
Việc xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm tại cơ sở, vận động hội viên phụ nữ tích cực đấu tranh tố giác tội phạm và nhận giúp đỡ, cảm hoá, giáo dục thanh thiếu niên hư, có nguy cơ làm trái pháp luật, phụ nữ hoàn lương... đã làm chuyển biến về nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ trong công tác quản lý, giáo dục con em và người thân để không sa vào các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.
Cụ thể, đó là việc duy trì hiệu quả 167 CLB phụ nữ với pháp luật, Chi hội phụ nữ nòng cốt thực hiện và chấp hành pháp luật tại cộng đồng; 2.074 tổ tự quản, giáo dục cảm hóa người lầm lỗi và trẻ em hư có nguy cơ làm trái pháp luật tại địa bàn dân cư; 97 mô hình quản lý thanh thiếu niên không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội; 18 tủ sách pháp luật tại 18 xã của 6 huyện miền núi.
Trước tình trạng mua, bán người có nhiều diễn biến phức tạp, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm buôn bán người và việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về.
Điển hình là việc phối hợp với cơ quan Tư pháp đến trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ bị buôn bán trở về làm các thủ tục như cấp lại chứng minh thư, hộ khẩu, làm giấy khai sinh hoặc giúp vay vốn tạo việc làm…
Hội LHPN tỉnh cũng thành lập và duy trì hoạt động 4 CLB “Nữ công nhân” với sự tham gia của 90 nữ công nhân; tổ chức 9 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng chăm sóc sức khỏe, kiến thức phòng chống mua bán người cho 400 nữ công nhân lao động; tổ chức Hội chợ truyền thông cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về quyền của người lao động, di cư an toàn, phòng chống mua bán người với sự tham gia của 1.500 người; 1 cuộc đối thoại chính sách về quyền của người lao động di cư...
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ chú trọng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân, tập trung vào các nhà trường, nhóm phụ nữ và trẻ em, địa bàn có nguy cơ cao; luôn đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ và các em có kỹ năng nhận diện tội phạm, tự bảo vệ mình và có ý thức, trách nhiệm tố giác tội phạm.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()