Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 08:34 (GMT +7)
Nâng cao tinh thần cảnh giác với nguy cơ cháy rừng
Thứ 3, 29/10/2024 | 10:44:39 [GMT +7] A A
Sau cơn bão số 3, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh bị gãy đổ, chết, héo. Hiện nay thời tiết khô hanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng rất lớn. Để hạn chế tối đa tình trạng cháy thực bì trong rừng, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy chữa cháy rừng; thường trực nhân lực, thiết bị để kịp thời khi có sự cố cháy rừng.
Ghi nhận tại TP Hạ Long, địa phương có hơn 86.000ha rừng và đất rừng, tuy nhiên bão số 3 đã làm thiệt hại khoảng 9.000ha rừng, đa số là các loài cây thông, keo, bạch đàn… Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, TP Hạ Long đã chủ động triển khai các giải pháp, huy động lực lượng tiến hành thu dọn, cắt tỉa, tạo đường băng cản lửa phòng chống cháy rừng.
Tuy nhiên, do diện tích rừng bị ảnh hưởng lớn, cộng với điều kiện thời tiết hanh khô và việc đốt thực bì để dọn rừng của người dân, nên nguy cơ xảy ra cháy là rất lớn. Mới đây, ngày 26/10 trên địa bàn thành phố đã xảy ra đám cháy thực bì rừng bị đổ gãy sau bão số 3 (thuộc rừng sản xuất tại tổ 1, khu Quỳnh Trung) sau cháy lan sang đồi Đại Đán và đồi Quỳnh Trung (phường Đại Yên). Ngay sau khi phát hiện đám cháy, UBND TP Hạ Long đã chỉ đạo và huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ triển khai chữa cháy. Hiện các khu vực cháy đã được cơ bản dập tắt hoàn toàn. Qua rà soát sơ bộ, diện tích cháy đến thời điểm hiện tại khoảng 20ha, chủ yếu là cháy thực bì, cành cây, thân cây đổ do bão số 3 thuộc rừng sản xuất và không có thiệt hại về người.
Ông Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên (TP Hạ Long) cho biết: Trên địa bàn phường có khoảng 1.700ha rừng các loại, do ảnh hưởng của bão đã làm hơn 500ha rừng sản xuất, phòng hộ bị thiệt hại trên 70%. Xác định việc dọn dẹp sau bão và đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn là nhiệm vụ cấp bách, địa phương đã thực hiện cho các hộ dân ký cam kết trong việc thực hiện đốt thực bì trên diện tích rừng phải báo với cơ quan chức năng; tích cực thông tin, tuyên truyền đến người dân chủ động các phương án phòng cháy rừng và kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng khi xảy ra cháy để có các phương án chữa cháy, khống chế kịp thời. Đối với các trường hợp phát hiện việc đốt thực bì không khai báo với cơ quan chức năng, làm xảy ra hiện tượng cháy rừng, thành phố sẽ xác minh và xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Sau ảnh hưởng của bão số 3, nhiều diện tích rừng trên địa bàn TP Hạ Long bị thiệt hại, khiến cho công tác phòng, chống cháy rừng luôn được địa phương đặt lên hàng đầu. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm TP Hạ Long từ sau bão số 3 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, thực bì lớn, nhỏ với diện tích khoảng 62,9ha. Ông Trần Văn Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Hạ Long, cho biết: Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Sở NN&PTNT, của UBND TP Hạ Long về dọn dẹp, phòng, chống cháy rừng sau bão, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các chủ rừng phải chủ động tạo đường băng cản lửa giữa các diện tích rừng và tránh các khu vực dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị… đảm bảo đủ điều kiện mới cho người dân xử lý thực bì. Đồng thời, phân công trực cháy 24/24h; luôn duy trì, sẵn sàng các phương án phòng, chữa cháy tại Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng tại các xã, phường.
Còn tại huyện Đầm Hà, sau ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn có gần 4.000ha rừng bị ảnh hưởng, tiềm ẩn khả năng cháy rừng cao khi thời tiết đang trong giai đoạn nắng, hanh khô. Huyện Đầm Hà tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tới các chủ rừng, phối hợp với các đơn vị, địa phương tích cực thực hiện thu dọn hiện trường, sẵn sàng các phương án phòng, chống cháy rừng. Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Ước tính thiệt hại về rừng bị đổ, gãy trên địa bàn huyện khoảng 150 tỷ đồng, chủ yếu là các loài cây keo, bạch đàn, quế… Để khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất lâm nghiệp, cùng với việc thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, huyện đã triển khai các phương án, định hướng trồng mới, thay thế diện tích rừng bị hư hại. Đối với các chủ rừng đang tiến hành tận thu rừng, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm đếm thiệt hại, tăng cường tuyên truyền cho chủ rừng về phòng, chống cháy rừng và huy động lực lượng tại địa phương tiến hành thu dọn, cắt tỉa, tạo đường băng cản lửa phòng, chống cháy rừng đảm bảo an toàn.
Hiện toàn tỉnh có 371.954ha rừng, trong đó trên 50% diện tích rừng tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao vào những ngày nắng nóng, đặc biệt tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Ba Chẽ, Tiên Yên… Diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 là trên 117.000ha, mức thiệt hại từ 30-100%, chiếm trên 30% diện tích rừng hiện có (trong đó gần 50% rừng trồng). Ước tính có khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy tại hiện trường rừng bị thiệt hại. Sau bão số 3, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, diện tích có rừng bị cháy tương đối lớn.
Ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Để tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và tái thiết rừng sau bão số 3, đơn vị tiếp tục tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tới người dân; tăng cường việc phân vùng nguy cơ cháy rừng và phương án phòng chống cháy rừng sau bão số 3; khẩn trương triển khai phương án thu dọn, vệ sinh hiện trường rừng bị thiệt hại, ưu tiên việc xây dựng các đường băng cản lửa tại các phân vùng phòng ngừa nguy cơ cháy lan trên diện tích rộng, khó kiểm soát. Đồng thời, tổ chức ký cam kết với 100% chủ rừng không đốt vật liệu, thực bì tại hiện trường rừng bị thiệt hại vào những ngày nắng, hanh khô; tăng cường tuần tra, kiểm tra, hướng dẫn triển khai phương án phòng chống cháy rừng, sẵn sàng nhân lực và trang thiết bị để chủ động ứng phó xử lý cháy rừng.
Để chủ động và nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng các lực lượng chức năng đề nghị các đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan quản lý rừng, chủ rừng, người dân triển khai đồng bộ, thực hiện tốt việc thực hiện cắm biển báo, biển cấm lửa tại các vị trí quy định, phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng; có phương án PCCC rừng theo quy định. Đối với các khu rừng có đường dây điện cao thế và công trình có nguy cơ gây cháy rừng phải có đường băng cản lửa, hành lang an toàn phù hợp với từng loại công trình theo quy định của pháp luật và thường xuyên kiểm tra, dọn sạch vật liệu cháy trong đường băng cản lửa; khi đốt nương, rẫy, thực bì, các cành, cây khô bị gãy đổ để chuẩn bị đất trồng rừng, người dân phải thực hiện các biện pháp an toàn PCCC. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng, sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa; khi phát hiện cháy rừng, phải báo cháy ngay cho lực lượng chức năng gần nhất để kịp thời xử lý, khoanh vùng diện tích cháy…
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()