Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:40 (GMT +7)
Nâng cao thể lực cho phụ nữ từ chăm sóc SKSS
Thứ 3, 26/10/2021 | 08:42:40 [GMT +7] A A
Với địa hình trải dài, Quảng Ninh có khá nhiều xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ở những nơi này, nhận thức của người dân về sức khoẻ sinh sản (SKSS) vẫn hạn chế. Để người dân được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, công tác SKSS là một trong những hoạt động được ngành y tế và các ngành liên quan chú trọng triển khai, thực hiện trong nhiều năm qua.
Hiện toàn tỉnh có hơn 359.600 phụ nữ từ 15-49 tuổi. Thời gian qua, hoạt động giáo dục truyền thông về chăm sóc SKSS cũng được đẩy mạnh với sự tham gia của nhiều ngành, đoàn thể như: Hội phụ nữ, đoàn thanh niên… tập trung vào tuyên truyền tác hại của phá thai, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục...
Tất cả cán bộ sản, nhi ở các trạm y tế tuyến xã trên địa bàn đều được đào tạo kỹ năng truyền thông để tuyên truyền trong cộng đồng và tư vấn cho bệnh nhân một cách tốt nhất những kiến thức chăm sóc SKSS. 9 tháng năm 2021, các ngành tổ chức hơn 1.000 buổi tư vấn lồng ghép tại các trạm cho hơn 18,500 lượt bà mẹ mang thai về SKSS; thực hiện 54 buổi truyền thông cho 1.572 vị thành niên, thanh niên tại cộng đồng.
Mạng lưới chăm sóc SKSS trên địa bàn tỉnh phủ rộng đến tuyến xã. Các trung tâm y tế tuyến huyện đều có khoa chăm sóc SKSS. Cả 177 trạm y tế tuyến xã đều thực hiện quản lý SKSS; trong đó 49 trạm y tế ở các xã xa cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, địa bàn chia cắt và giao thông khó khăn đã thực hiện chức năng quản lý SKSS, quản lý thai nghén, sinh đẻ tại trạm. 49 trạm này đều có bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh làm về sản và có phòng khám sản với các dụng cụ cơ bản, đáp ứng được nhu cầu của người dân. 128 trạm y tế tuyến xã còn lại không thực hiện đỡ đẻ tại trạm do gần các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, giao thông đi lại thuận tiện, nhưng vẫn quản lý SKSS.
Khoa sản của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cũng đưa nhiều kỹ thuật vào phục vụ SKSS cho các bà mẹ, phụ nữ, như: Phẫu thuật nội soi buồng trứng, tử cung, điều trị u tử cung, chữa vô sinh, điều trị bệnh lây truyền qua đường sinh sản, dịch vụ chăm sóc thai sản, cận lâm sàng, sàng lọc ung thư cổ tử cung, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phát triển khoa nam học, sàng lọc trước sinh… Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện đã đưa xét nghiệm phát hiện tế bào ung thư cổ tử sớm để chị em phụ nữ có điều kiện chữa trị kịp thời.
Các trung tâm y tế có giường bệnh tuyến huyện đều thực hiện được việc mổ lấy thai, mổ cấp cứu sản khoa và truyền máu, điều trị dự phòng và điều trị tiền sản giật. Các phòng dân số, khoa phụ sản - chăm sóc SKSS ở trung tâm y tế tuyến huyện cũng duy trì tốt công tác giám sát, thực hiện các chương trình mục tiêu chăm sóc SKSS, kế hoạch hóa gia đình…
Chính nhờ nhân lực, trang thiết bị, trình độ năng lực, kỹ thuật được tăng cường mà công tác chăm sóc SKSS trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả. 9 tháng 2021, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thai kỳ đạt 89,2%; số phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đỡ cũng đạt hơn 99,6%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được nhân viên y tế chăm sóc tuần đầu sau sinh tại nhà đạt 59,0%... Các điểm cung cấp dịch vụ, câu lạc bộ thân thiện thanh thiếu niên luôn duy trì hoạt động chăm sóc SKSS vị thành niên.
Các đơn vị còn đẩy mạnh hoạt động khám phát hiện nhiễm khuẩn đường sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có trên 37.465 lượt khám phụ khoa, trong đó gần 2.995 lượt được sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp VIA. CDC tỉnh cũng đã thực hiện sàng lọc yếu tố nguy cơ ung thư vú cho 300 người tại xã Vạn Ninh, Vĩnh Thực (TP Móng Cái). Hiện CDC tỉnh đang xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Khảo sát các yếu tố liên quan đến bệnh ung thư vú ở nhóm phụ nữ độ tuổi 35-55 của xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên và xã Quảng An, huyện Đầm Hà”.
Việc nâng cao năng lực chăm sóc SKSS ở tất cả các tuyến trên địa bàn đã giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách tốt hơn, xóa dần khoảng cách chênh lệch nhận thức về SKSS giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, chất lượng dân số, gia đình có bước phát triển tốt, tạo được nề nếp và tính bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()