Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:01 (GMT +7)
Nâng cao sức đề kháng cho trẻ em
Thứ 6, 29/11/2024 | 10:05:10 [GMT +7] A A
Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ còn yếu nên rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm. Để chống lại những tác nhân gây bệnh, trẻ cần được chăm sóc, nâng cao sức đề kháng, tạo “hàng rào” bảo vệ, để trẻ luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
Theo bác sĩ CKII Dương Văn Linh, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh): Trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, những người có sức đề kháng yếu, đặc biệt là trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác bệnh của trẻ, cha mẹ cần đưa con đến khám tại các cơ sơ y tế, làm các xét nghiệm khi cần thiết. Đặc biệt, phải đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin theo khuyến cáo để tạo cho trẻ có hệ thống miễn dịch, góp phần bảo vệ trẻ trước dịch bệnh.
Năm 2024, CDC Quảng Ninh đã tập trung nhiều nguồn lực để triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, CDC Quảng Ninh đã thực hiện cung ứng, điều phối vắc xin cho các đơn vị trên địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, chỉ đạo tuyến cho các đơn vị y tế, điểm tiêm chủng trên địa bàn; tham gia công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tiêm chủng trong đó việc triển khai cập nhật thông tin tiêm chủng của các đối tượng lên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia được kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ...
Tại các trạm y tế xã, phường, kế hoạch tiêm chủng được lập ngay từ đầu tháng để dự trù vắc xin theo số lượng, đối tượng. Từ việc lập kế hoạch trên phần mềm, hệ thống sẽ tự động liệt kê danh sách các đối tượng đến độ tuổi tiêm hoặc những đối tượng còn thiếu mũi tiêm. Vì thế, cách thức quản lý này sẽ giúp trẻ được tiêm chủng đầy đủ, quản lý đúng thực tế.
Kể từ quý II năm 2024, Bộ Y tế đã cơ bản cung ứng lại đầy đủ vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện Quảng Ninh đã đạt tỷ lệ 78% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin theo khuyến cáo. Ngành y tế cũng đang phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ nâng tỷ lệ tiêm chủng lên 95%.
Chị Nguyễn Thị Mai (xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) cho biết: Tôi có 2 con, cháu lớn 7 tuổi và cháu bé gần 3 tuổi. Cả 2 cháu đều được tiêm các mũi vắc-xin cơ bản theo hướng dẫn của bác sĩ tại Trạm Y tế xã. Tiêm phòng đầy đủ là phương pháp hiệu quả để con tôi có sức đề kháng tốt và phòng chống được các dịch bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thu Hà, Trưởng Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết: Bệnh viện hiện đang thực hiện 2 nhiệm vụ là tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm chủng dịch vụ, với khoảng 20-30 lượt tiêm chủng mỗi ngày. Trong quá trình tiêm chủng, bệnh viện đặc biệt quan tâm đảm bảo an toàn, thực hiện nghiêm bước khám sàng lọc và tư vấn loại vắc xin phù hợp. Đối với trẻ em sau tiêm, các bé đều được theo dõi sau tiêm 30 phút và hướng dẫn phụ huynh tiếp tục theo dõi trẻ ít nhất 24 giờ sau khi về nhà để phát hiện sớm các phản ứng phụ xảy ra sau tiêm.
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng thực hành về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng. Một trong những biện pháp mà các bác sĩ đưa ra để tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe cho trẻ là trong vòng 1.000 ngày đầu đời (từ giai đoạn thai nghén đến lúc 2 tuổi) trẻ cần được bổ sung dưỡng chất, dinh dưỡng đầy đủ để phát triển toàn diện. Do đó, bà mẹ mang thai cần được quan tâm chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng, các vi chất và tiêm phòng đầy đủ để thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Khi trẻ sinh ra cần được bú mẹ sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và cho ăn dặm hợp lý, phối hợp tiếp tục cho bú đến trên 24 tháng. Bởi sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
Đối với trẻ lớn cần duy trì dinh dưỡng hợp lý đầy đủ các khoáng chất, vi chất qua các món ăn, nước uống hàng ngày. Bên cạnh đó, trẻ cần được tiêm chủng đúng độ tuổi, thời gian, đủ số mũi theo chương trình tiêm chủng mở rộng và uống vitamin A để phòng ngừa dịch bệnh.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()