Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 12:34 (GMT +7)
Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam
Thứ 7, 30/10/2021 | 07:45:58 [GMT +7] A A
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 hướng đến tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh.
Ngày 30/10 - ngày làm việc cuối cùng trong đợt 1 họp trực tuyến của Kỳ họp thứ 2, buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Trình bày trước Quốc hội nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trước bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, dịch COVID-19 còn kéo dài và diễn biến bất định, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 hướng đến tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng-an ninh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh cải cách thể chế; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội; hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; phát triển kinh tế đô thị; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành; nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam.
Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, còn bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên thảo luận chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Trình bày Tờ trình tóm tắt nội dung này trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn đặt ra đối với quản lý, sử dụng đất đai trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ; phân bổ, huy động quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, an ninh lương thực quốc gia; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh.
Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng các mục tiêu: đảm bảo quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tạo nền tảng để đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Quy hoạch phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ các hệ sinh thái, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%; kết nối các hành lang kinh tế, vùng động lực; khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Một số vấn đề đại biểu nêu ra tại phiên thảo luận sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình, làm rõ./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()