Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:02 (GMT +7)
Nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn ma túy
Thứ 4, 10/07/2024 | 08:43:31 [GMT +7] A A
Dù công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn cần xác định đây luôn là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội.
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn chú trọng thực hiện các giải pháp công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Không chỉ thực hiện nghiêm trong đấu tranh với tội phạm và tệ nạn trên địa bàn, mà công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng được triển khai liên tục với nhiều hình thức, trở thành một nội dung quan trọng của phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Gắn liền với đó còn là nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về việc tham gia giúp đỡ, quản lý giáo dục người nghiện tại gia đình và cộng đồng dân cư; chia sẻ với những trường hợp có nỗ lực để tái hòa nhập cộng đồng.
Cùng với vai trò nòng cốt của các lực lượng chức năng, các tổ chức, đoàn thể và tầng lớp nhân dân, đã tích cực tham gia công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Nhờ đó, dù địa bàn tỉnh có đặc thù giáp biên giới, nhiều đường mòn, lối mở và các hoạt động sản xuất, dịch vụ, du lịch, thương mại... phát triển sôi động, nhưng chưa phát hiện tội phạm ma túy xuyên quốc gia, tội phạm sản xuất trái phép chất ma túy. Tỉnh cũng không có các điểm, tụ điểm về tội phạm, tệ nạn ma túy mà không được phát hiện xử lý kịp thời. Từ năm 2022 đến nay, tổng kinh phí ngân sách địa phương thực hiện công tác phòng, chống ma túy trên 131.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh bắt giữ, xử lý 344 vụ, 851 đối tượng, tăng 18,6% số vụ, 13,8% số đối tượng so với cùng kỳ 2023; triệt phá 60 đường dây, ổ nhóm, xử lý hình sự 210 đối tượng... Có thể nói, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy được kiềm chế, kiểm soát tốt, chính là kết quả từ những chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, hành động của toàn xã hội đối với nhiệm vụ này.
Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 5/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới”, các ngành, địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai xây dựng "Xã, phường, thị trấn sạch ma túy", "Huyện sạch ma túy". Cụ thể gồm các tiêu chí: Không có tụ điểm, điểm, ổ nhóm, đường dây về ma túy trên địa bàn; không để xảy ra các vụ phạm tội về ma túy do người đang cư trú (thường trú hoặc tạm trú) trên địa bàn gây ra; kiềm chế và làm giảm số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; 100% người nghiện ma túy được áp dụng các hình thức cai nghiện phù hợp, sau cai nghiện được quản lý, theo dõi chặt chẽ...
Tìm hiểu tại huyện Vân Đồn được biết, vừa qua, Ban Chỉ đạo triển khai kế hoạch xây dựng “Xã, thị trấn sạch ma túy”, “Huyện sạch ma túy” của huyện đã được thành lập (tại Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 10/5/2024 của UBND huyện). Theo đó, đồng chí Chủ tịch UBND huyện là Trưởng ban; Công an huyện là cơ quan Thường trực. Thành viên là lãnh đạo của toàn bộ các phòng, ban, các xã, thị trấn của huyện, cùng lực lượng Công an, Đồn Biên phòng Quan Lạn, Đồn Biên phòng Ngọc Vừng. Nhiệm vụ trước mắt được xác định là tăng cường các hình thức truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức mỗi người dân, cảnh báo toàn xã hội về những diễn biến mới phức tạp của tệ nạn và tội phạm ma túy.
Còn tại TP Uông Bí, vừa qua đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND (ngày 10/5/2024) để triển khai chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Loạt các biện pháp đã được đề ra như: Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục tư tưởng, kỹ năng sống; hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ thanh, thiếu niên về công ăn việc làm; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về không gian mạng, kiểm soát các nguồn thông tin xấu độc, kích động, lôi kéo... Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 80% và năm 2023 là 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy để có năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, phấn đấu số vụ thanh, thiếu niên phạm tội về ma túy năm sau phải giảm so với năm trước; các tụ điểm phức tạp liên quan đến thanh, thiếu niên phát sinh sẽ được triệt xóa kịp thời...
Theo báo cáo của BCĐ 138 Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2024, tuyến biên giới Việt - Trung tiếp tục được các lực lượng chức năng hai bên tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, chưa phát hiện tội phạm liên quan vận chuyển, mua bán trái phép ma túy trên tuyến biên giới. Tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh chủ yếu là mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy với tính chất nhỏ lẻ; nguồn ma túy vào địa bàn chủ yếu từ các tỉnh giáp ranh, lân cận (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...) và các tỉnh Tây Bắc (thông qua các đối tượng ở đây đến lao động, làm việc tại các dự án, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh).
Đáng chú ý, các đối tượng triệt để lợi dụng các tuyến giao thông, dịch vụ vận tải để trà trộn ma túy vào các bưu kiện, hàng hóa, sử dụng mạng xã hội (Facebook, Telegram, Viber...) để trao đổi, mua bán ma túy và sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến (Internet banking), ví điện tử để thực hiện giao dịch, mua bán ma túy...
|
Hoàng Giang
- Xây dựng "xã, phường sạch ma túy” ở Hạ Long
- TP Móng Cái: Nâng cao công tác phòng chống tội phạm ma túy thông qua hoạt động xét xử
- Dựng lều trên vỉa hè, dùng trẻ em làm bình phong để mua bán, sử dụng ma túy
- Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh có 4 huyện, 105 xã đạt các tiêu chí về "Xã, phường, thị trấn sạch ma túy"
- Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh có 4 huyện, 105 xã đạt các tiêu chí về "Xã, phường, thị trấn sạch ma túy"
- Tiêu chí đạt “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy” và "Huyện sạch ma túy"
Liên kết website
Ý kiến ()