Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:26 (GMT +7)
Nâng cao năng lực bảo tồn đa dạng sinh học
Thứ 2, 20/11/2023 | 12:41:07 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều giá trị nổi trội đã được quốc gia, quốc tế công nhận. Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) là nhiệm vụ quan trọng để tỉnh thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Thực hiện nhiệm vụ đó, Sở TN&MT đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý bảo tồn sinh học cho các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Do áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu, sự xuất hiện của một số loài sinh vật xâm hại đã và đang đe dọa làm giảm tính ĐDSH trên địa bàn tỉnh. Nhiều loài thực vật quý, hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Rừng nghèo về trữ lượng và tổ thành thực vật. Khu hệ động vật đã bị xâm hại; các loài thú lớn, hoang dã đang cạn kiệt, bị đe dọa. Bên cạnh đó, một số loài quý, hiếm, đặc hữu trên địa bàn tỉnh còn chưa được nghiên cứu, phát hiện...
Trước thực trạng đó, thời gian qua Sở TN&MT đã đóng vai trò là cầu nối, kết nối các cơ quan, viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, chia sẻ tới các cơ quan trong tỉnh những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật tiên tiến, chuẩn xác về điều tra, giám sát, bảo tồn và phát huy giá trị ĐDSH trên địa bàn tỉnh.
Tại các chương trình tập huấn cả về lý thuyết và thực địa, các đại biểu đã được các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) phổ biến: Các quy định của Nhà nước và pháp luật về quản lý bảo tồn ĐDSH; kỹ thuật điều tra, giám sát ĐDSH; đánh giá, nhận diện các vấn đề liên quan tới quản lý sinh học; nâng cao năng lực quản lý bảo tồn và phát huy giá trị ĐDSH, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững tỉnh Quảng Ninh.
Ông Lê Văn Thảo, Phó Giám đốc BQL Rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Chương trình tập huấn đã đem lại những kiến thức pháp luật về quản lý bảo tồn ĐDSH, đặc biệt Danh lục các loài động, thực vật rừng biển nguy cấp, quý, hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam hoặc thuộc Phụ lục I, II Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ…. Các đại biểu được hiểu thêm về giám sát ĐDSH, tiếp thu được yêu cầu kỹ thuật đánh giá sinh lượng và thành phần loài động vật đáy trên vùng gian triều; giám sát đánh giá độ phủ của san hô, cá rạn, động vật đáy rạn san hô.
Chương trình tập huấn thực địa diễn ra tại rừng phòng hộ Yên Lập và hệ sinh thái biển trên Vịnh Hạ Long vừa qua đã đem đến cho các đại biểu của các ngành liên quan có cái nhìn toàn diện cũng như cụ thể về từng lĩnh vực, khía cạnh của công tác bảo tồn ĐDSH. Qua đó góp phần nâng cao năng lực quản lý bảo tồn ĐDSH, phát huy giá trị tài nguyên ĐDSH, thực hiện thắng lợi các mục tiêu về bảo vệ môi trường, ĐDSH, phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh.
Anh Lê Văn Luyến, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (BQL Vườn quốc gia Bái Tử Long), chia sẻ: "Trong quá trình thực địa cho tôi nhiều bài học quý về điều tra đánh giá ô lâm học, đánh giá mức độ tái sinh, tổ thành loài. Đặc biệt tôi còn tiếp thu thêm được cách thức thu mẫu thực vật và bảo quản mẫu để mẫu thu được đạt kết quả tốt".
Bảo tồn ĐDSH là trọng tâm của sự phát triển bền vững của tỉnh, qua đó hỗ trợ cho cuộc sống và sinh kế của người dân, duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()