Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:00 (GMT +7)
Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phát triển bền vững
Thứ 2, 10/07/2023 | 06:27:03 [GMT +7] A A
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp, hơn 400 HTX và trên 32.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, tình hình sản xuất, kinh doanh suy giảm, tỉnh đã tập trung tháo gỡ tối đa khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp thiết thực. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Sở Tài chính, 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã có 1.272 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng (tăng 12% so với cùng kỳ), 280 doanh nghiệp giải thể (tăng 6% so với cùng kỳ); 569 doanh nghiệp, HTX bỏ địa chỉ kinh doanh. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do gặp khó khăn về thị trường, vốn, lao động…
Để giúp các doanh nghiệp trụ vững, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Điển hình ngày 28/4/2023, tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2023 với sự tham dự của gần 500 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị này, trên cơ sở thẳng thắn và tinh thần xây dựng, đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đã tham gia ý kiến, thảo luận, trao đổi trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Đã có 13 ý kiến từ doanh nghiệp liên quan đến việc điều chỉnh một số quy hoạch liên quan đến hạ tầng vận tải; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác GPMB, triển khai các dự án đầu tư; công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo PCCC tại các doanh nghiệp; đề nghị đầu tư năng lượng thay thế là điện mặt trời, điện gió, tái sử dụng nước thải tại các KCN... được các sở, ngành liên quan giải đáp, làm rõ và đã nhận được sự đồng tình cao.
Đối với các kiến nghị còn tồn đọng, tỉnh tiếp tục giao cho các sở, ban, ngành và địa phương giải quyết nhanh chóng sau hội nghị. Với cách làm này, Quảng Ninh đã ghi dấu ấn và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long - chủ đầu tư KCN Sông Khoai, cho biết: Hiện giai đoạn I của KCN đã lấp đầy được trên 90%. KCN đang tập trung đầu tư hạ tầng cho giai đoạn II và III của dự án. Trong năm nay, KCN Sông Khoai dự kiến sẽ đón được trên 1 tỷ USD vốn đầu tư. Tuy nhiên, hạ tầng cấp điện cho KCN Sông Khoai hiện chưa được đầu tư kịp thời, ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình thu hút đầu tư. Mặc dù vậy, chủ đầu tư đánh giá rất cao sự vào cuộc chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp. Hằng tuần, địa phương đều tổ chức họp rà soát cập nhật tiến độ GPMB, nắm bắt thông tin đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trước những vướng mắc, khó khăn trong việc cấp điện cho KCN, hiện nay Sở Công Thương đang báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh có văn bản gửi Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị quan tâm đầu tư hệ thống điện 110/22kV cấp điện tại các KCN của tỉnh. Về lâu dài phía Công ty chủ động mong muốn được đầu tư nguồn năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió để cấp cho KCN bên cạnh việc sử dụng nguồn năng lượng truyền thống từ nguồn điện của EVN.
Cuối tháng 6/2023, tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, nhà đầu tư. Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo việc tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và nhà đầu tư có dự án trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây khó khăn. Tổ công tác còn có quyền yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh và UBND các địa phương cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ, HTX và hộ kinh doanh tiếp tục phát triển, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và an sinh xã hội, tại kỳ họp thứ 14 - kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi số đến năm 2025. Theo đó, Nghị quyết sẽ đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Cụ thể như tiếp tục quan tâm nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa trong thực hiện TTHC liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đất đai và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng và triển khai một số chương trình, kế hoạch, đề án… Nghị quyết được thông qua sẽ là nguồn động lực tiếp sức giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục hồi ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()