Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:40 (GMT +7)
Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe sinh sản
Thứ 3, 04/08/2020 | 07:49:46 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ở những nơi này, nhận thức của người dân về sức khoẻ sinh sản (SKSS) vẫn hạn chế. Để giúp người dân được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, ngành Y tế và các ngành liên quan triển khai sâu, rộng cong tác chăm sóc SKSS trên địa bàn.
Phẫu thuật điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh. |
Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nhân viên y tế ở các tuyến, trong những năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng các bệnh viện tuyến tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, áp dụng các kỹ thuật mới thuộc lĩnh vực SKSS cho y tế tuyến huyện, tuyến xã, như các lớp tập huấn làm mẹ an toàn, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, khám sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung, kỹ thuật soi cổ tử cung, chăm sóc sức khỏe sinh sản nam giới...
Kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ độ tuổi sinh sản tại Trạm Y tế xã Quảng Sơn (Hải Hà) vào tháng 4/2020. |
Mạng lưới chăm sóc SKSS được ngành Y tế củng cố ở tất cả các tuyến. Hiện nay, các Trung tâm y tế tuyến huyện đều có khoa chăm sóc SKSS. Còn ở trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh làm về sản và có phòng khám sản với các dụng cụ cơ bản, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tại Khoa sản của các bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh đều có những thiết bị hiện đại phục vụ công tác chăm sóc SKSS, như siêu âm màu, siêu âm đầu rò, hệ thống phẫu thuật điều trị các bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản... Một số bệnh viện còn hệ thống hỗ trợ thụ tinh nhân tạo...
Qua đó, hoạt động quản lý thai nghén được các cơ sở y tế chú trọng nhằm đảm bảo hạn chế thấp nhất tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên trong giai đoạn thai kỳ đạt 80,5%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đẻ đạt 99,9%; bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 99,5%...
Không chỉ có vậy, hoạt động chăm sóc SKSS cho bà mẹ, công tác khám, chữa phụ khoa trên địa bàn tỉnh cũng được các đơn vị y tế tăng cường thông qua việc khám sức khoẻ thường xuyên và định kỳ, thông qua các chiến dịch đưa dịch vụ SKSS về với vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2019, các đơn vị y tế tỉnh đã tổ chức khám, phát hiện nhiễm khuẩn đường sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho gần 10.500 phụ nữ, trong đó gần 80% được điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục truyền thông về chăm sóc SKSS cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú với sự tham gia của nhiều ngành, đoàn thể như: Hội phụ nữ, đoàn thanh niên... Tất cả cán bộ sản nhi ở các trạm y tế tuyến xã trên địa bàn còn được đào tạo kỹ năng truyền thông để tuyên truyền trong cộng đồng và tư vấn cho bệnh nhân một cách tốt nhất các kiến thức chăm sóc SKSS. Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị y tế đã thực hiện 186 buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn hướng dẫn chế độ ăn cho phụ nữ mang thai tại 177 trạm y tế xã/phường.
Kiểm tra thai kỳ cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (vào tháng 12/2019) |
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp cùng một số ngành và địa phương tập huấn về chăm sóc SKSS vị thành niên cho gần 1.000 lượt đội viên tuyên truyền măng non của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; thực hiện truyền thông chăm sóc SKSS vị thành niên cho hàng nghìn học sinh THCS trên địa bàn tỉnh; tổ chức 647 buổi thực hành dinh dưỡng cho 18.844 lượt phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Việc nâng cao năng lực chăm sóc SKSS ở tất cả các tuyến trên địa bàn đã giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách tốt hơn, xóa dần khoảng cách chênh lệch nhận thức về SKSS giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, chất lượng dân số, gia đình có bước phát triển tốt, tạo được nề nếp và tính bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thu Nguyệt
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()