Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:43 (GMT +7)
Nâng cao năng lực cấp cứu mỏ
Thứ 6, 28/10/2022 | 14:00:05 [GMT +7] A A
Cấp cứu mỏ là lực lượng đặc biệt của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), có nhiệm vụ chính là xử lý sự cố, cứu nạn trong các đơn vị ngành than, nhất là các mỏ hầm lò. Để nâng cao năng lực cho đội ngũ này, TKV đã đầu tư đồng bộ trang thiết bị, phương tiện cứu hộ mỏ chuyên nghiệp ngang tầm quốc tế, duy trì chương trình đào tạo, huấn luyện kỹ - chiến thuật và định kỳ tổ chức hội thao sát hạch trình độ toàn lực lượng.
Những năm qua, TKV đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, phục vụ công tác cứu hộ chuyên nghiệp cho Trung tâm Cấp cứu mỏ.
Tại vùng Hạ Long, TKV đầu tư khu thực nghiệm rộng 1,2ha làm nơi diễn tập phương án tìm kiếm cứu nạn, xử lý sự cố hầm lò. Công trình này gồm các hạng mục như đường lò, lò chợ, các công trình phụ trợ, hệ thống thiết bị tương tự như một công trường khai thác than; khu vực tạo ra sự cố cháy mỏ, sập đổ...
Các phương tiện, thiết bị cứu hộ mỏ hiện đại nhất thế giới hiện nay cũng đã được đầu tư đồng bộ, như bộ cứu hộ chuyên ngành Lukas với kích mỏ vịt có sức nâng tới 20 tấn trong khe hẹp từ 8-35mm, máy cứu sinh Carevent GO5, xe ô tô chuyên dùng Hino, xe cứu hộ đa năng, xe công trình xa, tổ hợp sinh khí trơ nitrogen, hệ thống bơm nước - bùn, quần áo chống cháy...
Theo ông Đào Văn Yên, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ, năm 2022, Trung tâm được đầu tư thêm một số thiết bị phục vụ công tác cứu hộ và phòng ngừa sự cố mỏ, gồm máy ép tim tự động, máy nén khí, máy kiểm tra độ kín bình tự cứu, máy thở cách ly 4 giờ và máy đo khí đa chức năng. Trong 2 năm gần đây, kinh phí đầu tư thiết bị cứu hộ mỏ cho Trung tâm là khoảng 26 tỷ đồng.
Với đội ngũ làm nhiệm vụ cứu hộ mỏ, Trung tâm duy trì chế độ thường trực, rèn luyện thể lực, huấn luyện kỹ - chiến thuật một cách nghiêm ngặt. Sáng học chuyên môn, chiều làm việc, rút kinh nghiệm, thể thao ngoài giờ là bắt buộc. Lực lượng tuyến chính, mỗi tuần phải có hai buổi tập thở. Mỗi tháng là 4 bài kiểm tra thực hành các bộ môn. Mỗi quý một kỳ kiểm tra thể lực, điều lệnh đội ngũ, kết hợp chạy 100m mang thiết bị vượt chướng ngại vật.
Anh Phạm Văn Hiệu, Trạm trưởng Trạm Cấp cứu mỏ Uông Bí, cho biết: Hằng ngày, lực lượng tuyến chính phải hoàn thành 4 bài tập thể lực trong thời gian 60 phút, gồm: 100 lần chống đẩy - bật nhảy, 200 lần lật lốp ô tô (mỗi chiếc lốp nặng 75kg), 100 lần kéo tạ (trọng lượng tạ 25kg) và chạy bộ 2.000m với áo chuyên dụng nặng 14kg (tương đương trọng lượng máy thở). Nếu không đạt các chỉ tiêu theo quy định của Trung tâm, từ cán bộ, đội viên, lái xe, y tế đều phải tự loại mình khỏi lực lượng tác chiến.
Định kỳ 2 năm 1 lần, TKV lại tổ chức Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ chuyên nghiệp nhằm kiểm tra toàn diện việc rèn luyện sức khỏe, kỹ thuật cá nhân, tính phối hợp và nâng cao bản lĩnh chiến đấu, đáp ứng được công tác cứu nạn - cứu hộ trong tình hình hiện nay. Hội thao năm nay (diễn ra từ ngày 26-28/10), lực lượng cứu hộ mỏ của Trung tâm tham gia thao diễn 3 khoa mục, gồm:
Nhờ được đầu tư bài bản về phương tiện, trang thiết bị cứu hộ chuyên nghiệp, đồng thời tuân thủ chế độ huấn luyện nghiêm khắc, lính cấp cứu mỏ của TKV luôn thiện chiến trong mỗi lần giải quyết sự cố tại các đơn vị ngành than. Nhiều vụ sự cố ở các địa phương khác trong nước cũng có sự tham gia hiệu quả của lực lượng cứu hộ mỏ TKV.
"Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Cấp cứu mỏ TKV đã trực tiếp tham gia xử lý nhiều vụ sự cố tại các đơn vị ngành than và một số địa phương trong, ngoài tỉnh. Đáng chú ý là tham gia xử lý các vụ sự cố đổ lò chợ tại Công ty Than Quang Hanh, sự cố xuất khí CO tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, tham gia chữa cháy chợ Hạ Long I, phòng ngừa cháy nội sinh tại mỏ than Mạo Khê và Khe Chàm, cứu hộ tại mỏ vàng Pác Lạng, tỉnh Bắc Cạn, xử lý sự cố bục nước tại mỏ than Núi Béo. Các vụ việc đều được lực lượng cấp cứu mỏ xử lý chuyên nghiệp trong thời gian nhanh nhất có thể, giảm thiệt hại cho các mỏ và các đơn vị" - ông Đào Văn Yên, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết.
Ngoài nhiệm vụ chính là cứu hộ, cứu nạn mỏ, Trung tâm Cấp cứu mỏ TKV còn trực tiếp đào tạo, huấn luyện lực lượng cấp cứu mỏ bán chuyên tại các đơn vị; thường xuyên kiểm tra, phòng ngừa các nguy cơ mất an toàn về khí mỏ, hiện tượng cháy nội sinh của than; phân tích các mẫu khí mỏ hầm lò và kiến nghị về công tác an toàn lao động cho các đơn vị.
Trong bối cảnh TKV đang tăng tỷ lệ khai thác than hầm lò ở độ sâu ngày một lớn, việc nâng cao năng lực của đội ngũ cấp cứu mỏ chuyên nghiệp ngày càng được chú trọng. Đây là một trong những giải pháp để cải thiện công tác an toàn lao động, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của TKV.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()