Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:14 (GMT +7)
Nâng cao kiến thức pháp luật qua phiên toà giả định xét xử tội phạm mua bán người
Chủ nhật, 30/07/2023 | 10:00:00 [GMT +7] A A
Sáng ngày 28/7, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam với sự tài trợ kinh phí từ Chính phủ Vương quốc Anh đã tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống mua bán người.
Chương trình được tổ chức để hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" đồng thời nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho hội viên, phụ nữ và nhân dân, góp phần làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng
Chương trình có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Minh Hương (Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam); ông Blanco Neuenschwander Federico (Trưởng bộ phận Nhân sự và Tài chính, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam) cùng sự hiện diện của lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam; lãnh đạo, cán bộ phòng chức năng của phòng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh…
Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức đã xây dựng một phiên toà giả định xét xử một bị cáo về tội danh Mua bán người và Mua bán người dưới 16 tuổi. Phiên toà giả định được các thành viên thuộc Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh và các sinh viên thành phố Hạ Longthực hiện theo đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự.
Nội dung phiên toà giả định: Bị cáo Phàng A Sáng (SN 1983, trú tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) bị xét xử về các tội danh Mua bán người và Mua bán người dưới 16 tuổi. Hai bị hại trong vụ án là anh Nguyễn Văn Tuân (SN 2002, trú tại thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) và em Lê Thị Lan (SN 2007, trú tại thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Nội dung cáo trạng phiên toà giả định thể hiện, sáng ngày 16/6/2022, Phàng A Sáng đã đưa anh Tuân và em Lan vượt biên sang nước A và giao cho em gái là Phàng Thị Gắng để lấy số tiền 10 triệu đồng.
Hai bị hại sau đó đã được Gắng giao cho một người phụ nữ mang quốc tịch A để đưa đến một nhà hàng ở tỉnh B (nước A). Tại đây, Lan phải phục vụ trong nhà hàng và khi có yêu cầu thì phải thực hiện việc bán dâm. Các đối tượng đe doạ sẽ giết chết nạn nhân nếu như không thực hiện theo yêu cầu của chúng. Trong khi đó, anh Tuân được đưa đến một công ty để làm công việc dụ dỗ người khác làm những công việc nhẹ lương cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của họ. Hai bị hại sau đó được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh giải cứu. Đồng thời, Phàng A Sáng bị cơ quan Công an tỉnh Quảng Ninh áp dụng các biện pháp tố tụng liên quan.
Tại phiên toà giả định, hành vi phạm tội của bị cáo Sáng được đánh giá là rất nghiêm trọng, đã trực tiếp xâm hại đến quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an tại địa phương, gây tâm lý lo lắng trong quần chúng nhân dân.
Hội đồng xét xử phiên toà giả định sau đó đã tuyên phạt bị cáo Sáng mức án 8 năm tù về tội Mua bán người và 12 năm tù về tội Mua bán người dưới 16 tuổi. Tổng hình phạt bị cáo Sáng phải lãnh là 20 năm tù.
Bằng hình thức sân khấu hóa vừa sinh động, vừa gần gũi và sát thực tiễn, người dân và nhất là những phụ nữ trung và cao tuổi tham dự phiên tòa giả định đã có cơ hội tiếp cận các tình tiết vụ án, các quy định pháp luật một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Không chỉ xét xử, phiên tòa còn giải thích cho những người tham dự thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng và biện pháp phòng tránh để không tự biến mình trở thành một món hàng của các đối tượng xấu.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá, phiên toà giả định là một hình thức truyền thông rất thực tiễn và cung cấp thêm kiến thức, nhận biết những nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người, đặc biệt là những thủ đoạn tinh vi lừa đảo qua mạng xã hội. Phiên toà giả định đã góp phần thay đổi nhận thức, hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc chung tay đẩy lùi nạn mua bán người, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người và toàn xã hội.
Để ngăn chặn và đẩy lùi nạn mua bán người, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã và đang tăng cường sử dụng công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.
"Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp cũng ưu tiên triển khai nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người tại cộng đồng, tư vấn cho phụ nữ có ý định di cư, định kết hôn với người nước ngoài, trực tiếp hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ sinh kế tại chỗ để hội viên phụ nữ không nảy sinh ý định di cư hoặc xuất cảnh trái phép đi làm ăn, lao động, kết hôn tại nước ngoài", bà Hương nhấn mạnh.
Được theo dõi phiên toà giả định xét xử tội phạm mua bán người, bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1967, trú tại phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long) cho biết: "Với những người đã có tuổi như chúng tôi, việc nắm kiến thức pháp luật còn hạn chế. Tuy nhiên, thông qua phiên toà giả định, tôi được tiếp cận trực tiếp với quy trình xét xử một vụ án từ đó nắm được thêm những quy định của pháp luật về tội mua bán người cũng như cách phòng tránh để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo".
Đồng ý kiến, chị Nguyễn Thu Hằng (SN 1983, trú tại phường Dân Chủ, thành phố Hạ Long) đánh giá: "Hình thức thể hiện của phiên toà giả định rất sinh động. Không những thế, những diễn viên tham gia vai diễn tại phiên toà đều là những người có kinh nghiệm và am hiểu kiến thức pháp luật nên cách truyền đạt nội dung rất dễ hiểu. Thông qua phiên toà giả định, tôi nắm được thêm nhiều kiến thức để có thể tự bảo vệ bản thân cũng như những người thân".
Hà Tiên
Liên kết website
Ý kiến ()