Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:11 (GMT +7)
Nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Thứ 3, 10/12/2024 | 11:02:10 [GMT +7] A A
Chỉ tính riêng 11 tháng năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào nước ta đạt gần 31,38 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, vốn thực hiện 11 tháng năm 2024 cũng cao nhất trong các năm trở lại đây, ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Hiện đã có nhiều tập đoàn kinh tế, công nghệ lớn trên thế giới quan tâm, dần chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam, đẩy mạnh tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Điểm sáng chính là việc thu hút vốn FDI trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), có thể kể đến việc Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Nvidia (Mỹ) ký thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về AI và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam hồi đầu tháng 12 vừa qua cho thấy, Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, được các quốc gia, tập đoàn thế giới tin tưởng lựa chọn trở thành địa chỉ mới trong chiến lược kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, đã có một số tập đoàn lớn trên thế giới như Apple hay Amazon tuy chưa đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhưng luôn coi nước ta là khu vực để đặt hàng cung ứng linh kiện, nguyên liệu, thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất. Đây cũng là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện, cơ hội tốt cho Việt Nam vươn lên và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu.
Có thể nói, đây chính là thời điểm lịch sử mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp nước ngoài. Nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam hiện được đánh giá đạt độ chín cả về vị thế, quy mô, năng lực để có thể nắm bắt cơ hội hiếm có, tạo cú bật mới cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Song, cơ hội lớn thường luôn đi kèm với nhiều thách thức khi chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn bị đánh giá chưa đạt kỳ vọng và yêu cầu cao của các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi trong 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia, khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai, cấp ba,… Con số này cho thấy sau gần 40 năm phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với tỷ lệ doanh nghiệp thật sự trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất thấp.
Vì vậy, cần nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách kịp thời, đồng bộ, phù hợp, nhằm hạn chế rủi ro, cũng như tận dụng tốt cơ hội của xu thế chuyển dịch. Trong đó, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, chính sách với các thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành phải được cải cách mạnh mẽ hơn nữa; tập trung vào các chính sách giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các ngành công nghiệp mới như: Chất bán dẫn, chip, năng lượng sạch, kinh tế số, AI…
Bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần dám dấn thân vào các lĩnh vực mới mà nền kinh tế thật sự cần để vươn ra thị trường quốc tế và cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài theo đúng nguyên tắc thị trường. Hướng tới sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn, tạo nên sản phẩm có giá trị cao, đứng ở vị trí cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo thêm lợi thế cạnh tranh bằng việc “xanh hóa” trong sản xuất,… là cách giúp các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()