Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 07:46 (GMT +7)
Nâng cao hiệu suất trong giải quyết thủ tục hành chính
Thứ 5, 16/01/2025 | 05:28:48 [GMT +7] A A
Cùng với các địa phương là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh Quảng Ninh bắt đầu triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND tỉnh. Với những điểm mới ưu việt, tỉnh kỳ vọng mô hình phục vụ hành chính công mới sẽ tạo đột phá trong cải cách hành chính, tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu sai sót, tăng cường minh bạch, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND tỉnh là một mô hình mới được xây dựng dựa trên việc kế thừa những điểm ưu việt của mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp tỉnh, các Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Mô hình mới gồm 4 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 13 chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các Trung tâm Hành chính công cấp huyện và sắp xếp bố trí lại các bộ phận giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.
Tại trụ sở chính của Trung tâm có 1 cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả của 4 ngành, lĩnh vực là Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa và Thể thao. Cán bộ của 14 sở, ngành và các cơ quan ngành dọc khác sẽ tiếp nhận, giải quyết TTHC của ngành mình và hướng dẫn TTHC phi địa giới thuộc lĩnh vực của ngành tương ứng của cấp huyện.
Tại các chi nhánh Trung tâm Phục vụ Hành chính công, có cán bộ của 5 lĩnh vực được bố trí cố định, gồm: Tài chính - Kế hoạch, Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Cán bộ chuyên trách Trung tâm có nhiệm vụ hướng dẫn, số hóa, tiếp nhận thay thế các phòng chuyên môn khác và hướng dẫn TTHC phi địa giới.
Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, bố trí cố định 2 lĩnh vực, bao gồm: Tư pháp - hộ tịch và lao động - thương binh và xã hội và 1 đồng chí lãnh đạo UBND cấp xã phê duyệt TTHC thuộc thẩm quyền. Công chức lĩnh vực lao động ngoài việc tiếp nhận, giải quyết TTHC lĩnh vực thuộc quyền quản lý còn hướng dẫn, số hóa, tiếp nhận hồ sơ đối với các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền của cấp xã và một số TTHC phi địa giới.
Với nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh là xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của CBCCVC và cơ quan có thẩm quyền, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp, giúp các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người dân được đảm bảo có thể tiếp cận với các dịch vụ công trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5km, tiếp nhận và giải quyết 24/7. Đồng thời, thực hiện các TTHC các cấp tại một địa điểm duy nhất thay vì di chuyển đến nhiều điểm khác nhau, giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí liên quan đến việc đi lại và giao dịch TTHC.
Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: Mô hình mới không những kế thừa, phát huy hiệu quả của hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp hiện có, mà còn đem lại những hiệu quả tích cực trong công tác quản lý. Trong đó, đáng kể là việc đổi mới cách thức tiếp nhận, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC; đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện TTHC phi địa giới hành chính, đảm bảo kiểm soát toàn diện tình hình giải quyết TTHC trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu tình trạng tham nhũng, tiêu cực và kịp thời đưa ra các giải pháp hiệu quả thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Cơ chế giám sát và tự giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước cũng sẽ được tăng cường hơn, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức, nhất là về kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân.
Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp cũng làm thay đổi căn bản việc phân cấp quản lý theo địa giới hành chính (tỉnh, huyện, xã) sang quản lý theo khu vực, tập trung, thống nhất tại một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Qua đó, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC và hướng dẫn thực hiện TTHC phi địa giới; bảo đảm sự linh hoạt trong bố trí cán bộ phù hợp với điều kiện, tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC của từng khu vực, tránh việc quá tải cục bộ; nâng cao tính độc lập, tạo điều kiện cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời, hiệu quả hơn.
Theo tính toán sơ bộ, mô hình này giúp giảm số lượng bộ phận một cửa trên địa bàn tỉnh từ 185 bộ phận một cửa (cả 3 cấp) còn 170 bộ phận một cửa; giảm tối thiểu 515 CBCCVC làm việc tại bộ phận một cửa (từ 1.386 người còn 871 người) theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Chính phủ, nhưng vẫn đảm bảo nâng cao năng suất lao động trung bình của 1 nhân sự trực tại bộ phận một cửa trong 1 năm (mức tối thiểu là 1.600 hồ sơ/năm), góp phần tập trung, tối ưu hóa nguồn lực, tránh lãng phí nhân lực và tài chính trong tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC. Nguồn nhân lực dôi dư sẽ được bố trí, sắp xếp cho các vị trí công tác khác thiếu biên chế hoặc tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC.
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()