Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:46 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp
Thứ 5, 27/07/2023 | 15:13:00 [GMT +7] A A
Thời gian qua, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, toàn ngành Tư pháp Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp, đạt được kết quả nổi bật, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025). Trong bối cảnh triển khai nhiều chủ trương, chỉ đạo lớn của Trung ương, của tỉnh về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đòi hỏi ngành tư pháp phải nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Cơ quan tư pháp các cấp của Quảng Ninh đã nỗ lực, cố gắng, tập trung triển khai các lĩnh vực công tác tư pháp trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Trong đó tập trung ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, công chứng, bồi thường nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...
Điển hình, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp trong tình hình mới; Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 1/6/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/12/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng và tiến độ, hồ sơ thẩm định được cơ quan soạn thảo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Các đơn vị tích cực tham gia ý kiến, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, hoàn thiện thể chế theo các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương. Thường xuyên tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật ở các cấp.
6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã ban hành 49 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 3 nghị quyết và 46 quyết định; các cơ quan tư pháp thẩm định 57 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Sở Tư pháp đã hướng dẫn các sở, ngành, địa phương rà soát, đăng ký chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, tổng hợp, trình UBND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh.
Hoạt động quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới. Sở Tư pháp đã phối hợp với một số sở, ngành, địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2022; kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện đều chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2023, nội dung tập trung vào phổ biến, tuyên truyền về các văn bản pháp luật mới có tác động lớn đến xã hội, liên quan đến người dân, doanh nghiệp, lĩnh vực quản lý của các ngành, địa phương; triển khai tiêu chí tiếp cận pháp luật trong chương trình xây dựng nông thôn mới; quan tâm phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Toàn tỉnh đã tổ chức 2.497 cuộc tuyên truyền, phổ biến cho 210.535 lượt người tham dự (tăng 78 cuộc so với cùng kỳ năm 2022); tổ chức 2 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn, cấp phát 771.851 tài liệu.
Cùng với đó, ngành tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đặc biệt lĩnh vực công chứng, luật sư. Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nhiệm vụ số hóa sổ hộ tịch, cơ sở dữ liệu công chứng tỉnh Quảng Ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, giải quyết lượng lớn TTHC, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực hoạt động của ngành theo chương trình, kế hoạch đã ban hành. Phối hợp chỉ đạo các tổ chức hành nghề thực hiện ngăn chặn giao dịch, cung cấp thông tin theo đề nghị của các cơ quan. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề thuộc phạm vi quản lý...
Ngành cũng tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt công tác cải cách thể chế tại địa phương, góp phần nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh trong công tác cải cách hành chính. Đối với Sở Tư pháp, năm 2022 tiếp tục xếp thứ 2/20 sở, ban, ngành trong công tác cải cách hành chính. Năm 2023, Sở Tư pháp, các phòng tư pháp đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch cải cách hành chính; tuyên truyền cải cách hành chính; kiểm soát TTHC; thực hiện mục tiêu chất lượng; duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động; triển khai thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-HĐND ngày 4/11/2022 của HĐND tỉnh.
Phát triển KT-XH trên địa bàn dự báo có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đan xen khó khăn, thách thức khi vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, vừa phải ứng phó với những vấn đề cấp bách, mới phát sinh; việc quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia... Ngành Tư pháp xác định, khắc phục khó khăn, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, tiếp tục triển khai 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp đã đề ra nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tư pháp trên địa bàn.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()