Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:35 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự
Thứ 3, 10/10/2023 | 06:35:50 [GMT +7] A A
Bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn; thời gian qua, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội và các địa phương tham gia thực hiện, tạo chuyển biến tích cực trong thi hành án hình sự (THAHS) nói chung và THAHS tại cộng đồng, tái hòa nhập cộng đồng nói riêng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngay sau khi Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành (1/1/2020), UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản để chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện trong công tác THAHS tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lầm lỗi chấp hành xong án phạt tù; phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại địa bàn cơ sở và đối tượng tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức tập huấn bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ...
Đặc biệt, thực hiện kết luận thanh tra của Bộ Công an về việc chấp hành các quy định của pháp luật về THAHS và tái hòa nhập cộng đồng, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về THAHS và tái hòa nhập cộng đồng. Gắn công tác này với công tác đảm bảo ANTT, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và công an địa phương chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác THAHS tại cộng đồng. Đồng thời ngành thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện các mặt công tác; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH bàn giải pháp thực hiện kế hoạch tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương.
Công an tỉnh còn chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với chính quyền các cấp trong thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Đặc biệt, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác THAHS và tái hòa nhập cộng đồng của UBND tỉnh và chương trình phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2021-2025 của Cục C11-Bộ Công an, Công an tỉnh đã tham mưu và tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Công an tỉnh với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên về giáo dục, cải tạo phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, phạm nhân nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.
Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 2.578 trường hợp chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Cơ quan chức năng đã thực hiện lập, chuyển giao cho UBND cấp xã giám sát, giáo dục đối với 2.577 hồ sơ, trong đó án treo 2.251 trường hợp, cải tạo không giam giữ 164 trường hợp, hoãn chấp hành án 103 trường hợp, tạm đình chỉ chấp hành án 7 trường hợp, tha tù trước thời hạn có điều kiện 52 trường hợp.
Cấp ủy, chính quyền cơ sở chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư phối hợp với lực lượng công an trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Công tác lập hồ sơ quản lý được thực hiện đúng quy định. Công tác giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện được tiến hành đúng quy trình quản lý, giám sát, giáo dục; thường xuyên tiến hành điểm danh, kiểm diện; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách hình sự đối với người chấp hành án, tổ chức rà soát, lập hồ sơ giảm, miễn thời hạn chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật trong quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, góp phần phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật...
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác THAHS vẫn còn tồn tại, hạn chế, như: Còn để xảy ra tình trạng người chấp hành án hình sự tại cộng đồng vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật, phạm tội mới; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự tác động mạnh mẽ, tạo sự đồng thuận của cộng đồng xã hội; một bộ phận trong quần chúng nhân dân vẫn còn biểu hiện định kiến, giữ khoảng cách; các cơ quan, doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại với quá khứ phạm tội của người lầm lỗi chấp hành xong án phạt tù, không muốn nhận vào lao động, dẫn đến họ không có nguồn thu nhập ổn định để duy trì đảm bảo cuộc sống, dễ phạm tội trở lại...
Bởi vậy, thời gian tới cần tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong THAHS, góp phần ổn định trật tự xã hội; thể hiện tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với nhóm người yếu thế này.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()