Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:43 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả công tác giám sát bảo vệ quyền và lợi ích phụ nữ, trẻ em
Thứ 3, 12/09/2023 | 12:34:30 [GMT +7] A A
Công tác giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em luôn được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đánh giá là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng hằng năm. Nội dung giám sát luôn được các cấp Hội lấy làm trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề thiết thực của hội viên, phụ nữ, những vấn đề có tính thời sự được dư luận và nhân dân quan tâm.
Nội dung giám sát trọng tâm, trọng điểm
Suốt 10 năm qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (gọi tắt là Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị).
Đối với cấp tỉnh, Hội LHPN tỉnh luôn đổi mới, sáng tạo trong công tác giám sát; hình thức giám sát linh hoạt, kết hợp giám sát trực tiếp và giám sát qua tài liệu, báo cáo, tăng cường hoạt động giám sát đột xuất, không báo trước. Bên cạnh đó là lựa chọn nội dung giám sát trọng tâm vào các vấn đề có tác động, liên quan trực tiếp đến tổ chức Hội, hội viên, phụ nữ, trẻ em, những vấn đề có tính thời sự, được nhân dân quan tâm.
10 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì, phối hợp giám sát 47 chuyên đề. Hội LHPN tỉnh đã tham gia hoạt động phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì đối với 5 dự thảo của HĐND tỉnh và UBND tỉnh; tham gia góp ý 127 dự thảo Luật, văn bản dưới luật, văn bản của cấp ủy, chính quyền, sở, ngành chức năng.
Ở cấp huyện, giai đoạn 2013-2022, Hội LHPN các địa phương, cơ sở đã thực hiện 1.715 cuộc giám sát. Trong đó: Cấp huyện giám sát 318 cuộc (chủ trì 80 cuộc, phối hợp 238 cuộc). Cấp xã giám sát 1.397 cuộc (chủ trì 586 cuộc, phối hợp 811 cuộc). Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực: “Giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ”; giám sát các vụ việc đơn thư phức tạp, kéo dài có liên quan đến phụ nữ; chế độ chính sách đối với phụ nữ nghèo đơn thân nuôi con nhỏ, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em...
Trong 10 năm, thông qua kết quả các chương trình giám sát, Hội LHPN các địa phương, cơ sở đã có 778 ý kiến, kiến nghị, trong đó đã có 656 ý kiến được các cơ quan, đơn vị tiếp thu, giải quyết kịp thời; đề xuất 25 chính sách, trong đó có 3 chính sách đã được phê duyệt.
Cán bộ Hội là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng và phản biện đối với các dự thảo chính sách tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp. Tham gia phản biện xã hội và góp ý trên 660 văn bản chủ yếu là các dự thảo Luật, văn bản dưới Luật, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cùng cấp, văn bản lấy ý kiến của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng ở địa phương/cơ sở.
Chất lượng giám sát nâng lên rõ rệt
Hiện nay, hệ thống tổ chức Hội LHPN tỉnh bao gồm 3 cấp: Cấp tỉnh, huyện và cơ sở, trong đó, có 16 đơn vị cấp huyện và tương đương, 193 cơ sở, 1.524 chi hội, 3.361 tổ phụ nữ, 264.480 hội viên, 236 cán bộ Hội chuyên trách Hội các cấp.
Có thể đánh giá, qua từng năm, chất lượng công tác giám sát từ tỉnh đến cơ sở nâng lên rõ rệt, đạt hiệu quả cao, phát hiện và kiến nghị được nhiều vấn đề, các ý kiến kiến nghị được tiếp thu bằng văn bản, giải quyết kịp thời, được cấp ủy, chính quyền, các ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, nhất là ở cấp tỉnh, góp phần bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, phụ nữ và nhân dân.
Qua công tác giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các cấp Hội LHPN trong tỉnh phát huy tính chủ động, trách nhiệm, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức. Chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện giám sát, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; song công tác giám sát của Hội LHPN các cấp trong tỉnh vẫn gặp phải một số khó khăn, tồn tại, cần được khắc phục. Một số Hội LHPN địa phương chưa khẳng định rõ vai trò chủ thể trong giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung chuyên đề; phương thức thực hiện, hoạt động giám sát độc lập còn ít, chủ yếu là phối hợp, tham gia thành viên các đoàn giám sát của địa phương, các ngành, nhất là cấp cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác giám sát trong giai đoạn tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng các mô hình, CLB của phụ nữ nhằm nắm tình hình, kịp thời chuyển tải ý kiến góp ý của hội viên phụ nữ và nhân dân đến cấp ủy, chính quyền. Mặt khác, Hội sẽ chỉ đạo nâng cao chất lượng, thực chất của công tác giám sát, phản biện xã hội làm cơ sở xây dựng và đề xuất chính sách đối với phụ nữ, trẻ em; chủ động đề xuất phản biện xã hội các nội dung về cơ chế chính sách thiết thân, chính đáng có liên quan đến phụ nữ, trẻ em; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về giám sát, phản biện, đề xuất chính sách theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026…
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()