Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:41 (GMT +7)
"Dân vận khéo" vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 3, 07/03/2023 | 14:05:50 [GMT +7] A A
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được tỉnh xác định là khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Những năm qua, công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Với 96% dân số là đồng bào DTTS, để nâng cao chất lượng công tác dân vận, huyện Bình Liêu đã tập trung phát huy vai trò người có uy tín trên địa bàn. Huyện có 119 người có uy tín tại các thôn, bản, khu phố. Những năm qua lực lượng này đã phát huy tốt vai trò là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào DTTS. Để người dân làm theo, họ không chỉ tuyên truyền, vận động mà luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Đội ngũ người có uy tín đã có nhiều đóng góp điển hình cho công tác phát triển dân tộc và miền núi của huyện và của tỉnh, tích cực vận động người dân giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà Lý Thị Hoàng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu), chia sẻ: "Bằng kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và uy tín của mình, tôi cùng với trưởng các đoàn thể ở địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thi đua sản xuất, phát triển kinh tế. Để người dân nghe và làm theo, tôi và gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, như tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, hiến đất xây dựng đường giao thông".
Để phát huy hiệu quả công tác dân vận trong đồng bào DTTS, thời gian qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, phương pháp vận động với nhiều hình thức, lồng ghép với các phong trào của các đoàn thể, kết hợp giữa vận động tập trung với vận động cá biệt, chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng thôn, làng. Cùng với đó, các đơn vị thường xuyên cử cán bộ bám sát cơ sở, nắm bắt diễn biến tư tưởng đoàn viên, hội viên của từng tổ chức, chú trọng đến đoàn viên, hội viên là người DTTS; thăm hỏi, tranh thủ các già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS, các chức sắc tiến bộ trong các tôn giáo.
Với sự uy tín, kinh nghiệm, nắm chắc thực tiễn địa phương, những năm qua người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã chủ động trong công tác tuyên truyền giáo dục từ con cháu trong gia đình, dòng họ đến đồng bào ở thôn, bản, khu phố; phát huy vai trò gương mẫu, thực hiện và vận động nhân dân các dân tộc thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, giảm nghèo, bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác dân vận được lồng ghép với các phong trào của các đoàn thể, chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng. Những người làm công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc các tôn giáo... để làm tốt công tác dân vận.
Đối với lực lượng vũ trang, nhất là bộ đội biên phòng tỉnh, công tác dân vận vùng đồng bào DTTS được tăng cường, góp phần phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân. Các đơn vị đã thực hiện hiệu quả phương châm "4 cùng" với đồng bào (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc; từ đó lựa chọn phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phù hợp. Công tác dân vận được tập trung vào các nội dung: Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu; bảo vệ đường biên, cột mốc; đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh...
Công tác dân vận vùng đồng bào DTTS thời gian qua được thể hiện rõ nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ dân vận, hàng chục nghìn m2 đất, hàng vạn ngày công đã được người dân tự nguyện đóng góp để làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa, công trình dân sinh..., góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn của tỉnh, nhất là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong người dân, chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đóng góp xây dựng quê hương.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()