Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:36 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng
Thứ 4, 04/01/2023 | 13:53:19 [GMT +7] A A
Những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng và đất rừng. Gần đây nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Quảng Ninh có diện tích tự nhiên gần 618.000ha. Trong đó, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 379.438ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, rừng và đất rừng đặc dụng là 47.504ha; rừng và đất rừng phòng hộ là 104.260ha; rừng và đất rừng sản xuất 227.674ha.
Để nhân rộng những cánh rừng, nhất là rừng gỗ lớn, những năm qua tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, như: Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Nghị quyết số 10 đề ra mục tiêu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55% đến năm 2025; trên 50% đến năm 2030 và nâng cao chất lượng rừng.
Nghị quyết số 10 cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu: Phấn đấu đến hết năm 2025 trồng mới ít nhất 5.000ha rừng cây gỗ lớn lim, lát, giổi; chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn xen kẽ các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao, không mở rộng diện tích trồng keo, bạch đàn, không cấp phép mới, gia hạn, nâng công suất các dự án chế biến gỗ thô, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gỗ sâu nhằm gia tăng giá trị ngành gỗ. Chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn, bảo tồn hệ sinh thái núi đá vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và vùng phụ cận...
Với những quyết sách kịp thời, cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động của cấp ủy, chính quyền các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là người dân, những năm gần đây công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện chất lượng rừng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy KT-XH vùng miền núi, DTTS, biên giới, hải đảo của tỉnh phát triển bền vững.
Rừng ngập mặn Đồng Rui rộng 1.800ha, chiếm 50% diện tích rừng ngập mặn của huyện Tiên Yên. Đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh cổ nhất và đẹp nhất miền Bắc, với nhiều loại cây có khả năng chịu mặn như trang, sú, vẹt, bần... Sau những tổn thương do nạn chặt phá rừng tràn lan, những năm gần đây, nhiều diện tích rừng ngập mặn Đồng Rui đã được hồi sinh nhờ những dự án trồng mới do các tổ chức phi chính phủ, các cấp, ngành của tỉnh tổ chức thực hiện. Hiện nay, rừng ngập mặn Đồng Rui đang mang lại nguồn lợi hải sản khá đa dạng, phong phú, giúp nhiều hộ dân địa phương có thu nhập ổn định bằng nghề đánh bắt hải sản dưới tán rừng ngập mặn.
Ông Phạm Kim Trọng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên, cho biết: Ngoài việc giữ gìn và bảo vệ giá trị sinh thái đặc hữu của rừng, tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương, lực lượng kiểm lâm huyện đang phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện và xã Đồng Rui tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển diện tích rừng ngập mặn, hoàn thành việc đề xuất quốc tế công nhận Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui là Khu Ramsar giai đoạn 2022-2025.
Tại thôn Bằng Anh (xã Tân Dân, TP Hạ Long), nhờ tâm huyết và cách làm của gia đình anh Triệu Tài Lộc, gần 30ha rừng, chủ yếu là lim xanh đã được bảo vệ nguyên vẹn từ năm 1960 đến nay. Ngoài nguồn thu từ những cây lim giống do quả chín rụng xuống, dưới tán lá rừng lim xanh, gia đình anh Lộc còn phát triển nhiều loại cây thuốc quý như: Khôi tía, trà hoa vàng, ba kích... nhằm phát triển kinh tế, có thêm nguồn lực để gìn giữ và bảo vệ cánh rừng tự nhiên.
Hiện nay, toàn tỉnh có 20/63 chủ rừng là tổ chức đã trình phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững theo quy định, nhằm bảo đảm mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị mà nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 337 của HĐND tỉnh, đến nay đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân của 2 địa phương là Hạ Long và Ba Chẽ tham gia chính sách phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 1.768ha. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các chủ rừng là 38,47 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ này được triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ với nhiều ưu đãi, đó là hỗ trợ 100% cây giống, lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại, vay vốn tín dụng chính sách. Qua đó, tạo động lực rất lớn cho phát triển nghề rừng theo hướng bền vững, đem lại lợi ích kép, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường, tạo tiền đề quan trọng để phát triển lâm nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh.
Ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) cho biết: Trước đây người dân trong xã chỉ tập trung trồng keo, chu kỳ khai thác ngắn, nhưng bây giờ đã chủ động chuyển sang trồng những loại cây gỗ lớn như lim, lát, giổi... và một số loại cây dược liệu nhằm nâng cao giá trị rừng và bảo vệ môi trường.
Trong 3 năm trở lại đây, giá trị khai thác gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể. Riêng năm 2022, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 839.860m3, bằng 119,2% so với kế hoạch điều chỉnh. Sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ như nhựa thông, vỏ quế, hoa hồi, hạt sở... cũng đạt hơn 10.000 tấn.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh còn hình thành nhiều vùng sản xuất dược liệu tập trung cho năng suất, giá trị kinh tế cao như vùng sản xuất ba kích, trà hoa vàng (tại Ba Chẽ, Hải Hà, Hạ Long), vùng trồng quế hữu cơ (tại Tiên Yên, Đầm Hà)...
Ông Nguyễn Thành Khương, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, năm 2023 Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ phối hợp với các ngành tăng cường công tác quản lý và kiểm soát rừng, đất quy hoạch cho lâm nghiệp, hoàn thành dự án kiểm kê rừng Quảng Ninh để tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh. Phối hợp với UBND các cấp kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn để giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55%. Ngoài ra, ngành kiểm lâm sẽ chủ động phối hợp với các ngành, địa phương hoàn thành tốt kế hoạch trồng tối thiểu 1 triệu cây dịp Tết trồng cây xuân Quý Mão 2023, gắn với chỉ tiêu trồng 12.758ha rừng tập trung, trong đó có 2.000 cây gỗ lớn theo tinh thần Nghị quyết số 10 đã đề ra.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()