Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:37 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp
Thứ 5, 07/04/2022 | 15:44:21 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần tích cực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách tư pháp, thể hiện rõ tầm nhìn, tư duy chiến lược, bám sát vào thực tiễn; thực hiện các nhiệm vụ về cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh. Nổi bật trong năm 2021, đã chỉ đạo triển khai hiệu quả kế hoạch cải cách tư pháp năm 2021, các kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác cải cách tư pháp. Tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các đạo luật mới ban hành về lĩnh vực tư pháp và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác cải cách tư pháp. Duy trì có nền nếp chế độ giao ban khối nội chính; chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, sâu sát cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan tư pháp của tỉnh trong việc xử lý các vụ án, vụ việc.
Các cơ quan tư pháp của tỉnh có nhiều đề xuất, tham gia góp ý với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp, nhất là pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng. Chú trọng nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự thảo Luật; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh để cụ thể hóa về lĩnh vực tư pháp. Các ngành tư pháp đã chủ động tiến hành sơ, tổng kết việc thực hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ANTT; thống nhất trong áp dụng pháp luật, đường lối xử lý đối với các trường hợp chưa được cụ thể hóa trong luật, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần đảm bảo ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn.
Cùng với đó, quan tâm đổi mới, kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy, hoạt động các cơ quan tư pháp; quan tâm xây dựng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án hình sự tiếp tục được kiện toàn, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Trong đó, công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật theo các chuyên đề gắn với tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ điều tra, điều tra viên cấp huyện được tăng cường. Ngành Kiểm sát tiếp tục sắp xếp bộ máy, tổ chức cán bộ phù hợp với các quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương; chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế hoạt động, quy chế phối hợp trong tất cả các lĩnh vực công tác, phục vụ hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa cho đội ngũ kiểm sát viên, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết công việc; thực hiện “số hóa hồ sơ” vụ án hình sự và công khai tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, từng bước tiến tới xây dựng “hồ sơ điện tử” ở cả hai cấp; triển khai thực hiện “chuyên đề báo cáo án trên phần mềm trình chiếu Power Point và sơ đồ hóa”, bước đầu xây dựng phòng họp nghe án công nghệ cao, lưu trữ điện tử...
Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp triển khai nhiều giải pháp đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, tập trung nâng cao tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, chú trọng công tác tranh tụng tại phiên tòa; tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính đạt tỷ lệ cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành, nghiệp vụ tại tòa. Hiện TAND tỉnh là một trong ba tòa án được TAND tối cao áp dụng thí điểm hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; triển khai phần mềm giám sát hoạt động chuyên môn...
Hoạt động bổ trợ tư pháp được đổi mới gắn với tăng cường quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Sở Tư pháp xây dựng, tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực công chứng; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai lập danh sách các doanh nghiệp thuộc trường hợp đã cấp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và hướng dẫn giải quyết thủ tục đăng ký hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý. Hoạt động trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả tích cực; 100% trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng theo yêu cầu của Cục Trợ giúp pháp lý năm 2021. Truyền thông về trợ giúp pháp lý đến người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế trong xã hội đẩy mạnh...
Việc thanh, kiểm tra đối với hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp được tăng cường. Các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động tư pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; chú trọng các cuộc tự kiểm tra, kiểm tra đột xuất, các cuộc kiểm tra nghiệp vụ, chuyên đề nhằm phát hiện các vi phạm, thiếu sót, khó khăn, vướng mắc để chấn chỉnh, khắc phục, tháo gỡ và xử lý kịp thời. Các hoạt động giám sát, chất vấn của cơ quan dân cử; giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tư pháp được tăng cường.
Tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các cơ quan tư pháp. Năm 2021, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã phân khai hỗ trợ kinh phí 5 tỷ đồng cho các cơ quan tư pháp theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, trụ sở, điều kiện, cơ sở vật chất của một số cơ quan tư pháp cấp huyện tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư xây mới, sửa chữa, trang cấp phương tiện, thiết bị làm việc, cơ bản phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo và ban hành Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2021-2026 và năm 2022. Ban Chỉ đạo cũng chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo chức năng của từng ngành, đơn vị; xây dựng kế hoạch triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, ngành dọc về công tác nội chính, cải cách tư pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()