Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 13:22 (GMT +7)
Nâng cao giá trị sản phẩm từ chuyển đổi số
Thứ 2, 13/01/2025 | 13:20:35 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã áp dụng chuyển đổi số vào đơn vị và đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận.
Là đơn vị kinh doanh du lịch hoạt động trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Du lịch mở Hạ Long nhận thấy chuyển đổi số là yếu tố sống còn để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Trong thời gian qua, công ty đã tập trung phát triển mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số, như đầu tư xây dựng sản phẩm trải nghiệm thực tế ảo VR-360 giúp khách hàng khám phá các điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh ngay trên màn hình thiết bị cá nhân. Với ứng dụng VR-360, khách hàng có thể trải nghiệm nhanh các danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch văn hóa, từ đó dễ dàng lập kế hoạch cho chuyến đi và có công cụ hình ảnh để tìm kiếm các điểm đến.
Ông Trần Đức Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch mở Hạ Long, cho biết: Thực hiện chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả tích cực cho đơn vị. Khách hàng không chỉ có một trải nghiệm tốt hơn, mà còn giúp công ty tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là các nhóm khách hàng quốc tế và khách hàng trẻ. Ngoài ra, việc chuyển đổi số còn giúp chúng tôi thu thập và phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng, từ đó cá nhân hóa hiệu quả cung cấp dịch vụ. Từ thực hiện chuyển đổi số, công ty đã tiết kiệm được 20% chi phí và tăng 30% doanh thu. Đây là bước đột phá, giúp đơn vị khẳng định vị thế trên thị trường và đóng góp vào sự phát triển bền vững của du lịch Quảng Ninh trong thời gian tới.
Đối với ngành nông nghiệp, Quảng Ninh hiện có 432 sản phẩm OCOP của 235 doanh nghiệp, trong đó có 334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên đã đưa lên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh. Nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến, tin dùng như: Nước mắm, ruốc hàu Vân Đồn, chả mực Hạ Long, nếp cái hoa vàng Đông Triều, trà hoa vàng Ba Chẽ, miến dong Bình Liêu… Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều bán hàng qua các trang mạng xã hội facebook, zalo, tiktok... qua đó mở rộng tiếp cận khách hàng trong và ngoài tỉnh, tăng doanh thu cho đơn vị.
Trứng vịt biển Đồng Rui từ lâu đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Tiên Yên. Với chất lượng đạt tiêu chuẩn 4 sao, Trứng vịt biển Đồng Rui đã được dán tem nhận diện thương hiệu và mã vạch truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, đơn vị sản xuất đã đưa trứng vịt biển Đồng Rui lên sàn thương mại điện tử, qua đó đưa sản phẩm tiếp cận thị trường trong nước và xa hơn là thị trường quốc tế.
Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến (đơn vị sản xuất trứng vịt biển Đồng Rui), cho biết: Để tiếp cận với khách hàng trong và ngoài tỉnh, chúng tôi đã xây dựng website giới thiệu hàng hóa và bán hàng qua các sàn thương mại điện tử Postmart, sàn thương mại điện tử OCOP của tỉnh… Từ khi đưa sản phẩm lên giao dịch điện tử, doanh thu từ trứng vịt biển của HTX đạt khoảng 6-7 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi khoảng 1,5-1,6 tỷ đồng/năm.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) Cam Đức Quân, thời gian qua nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, không chỉ là áp dụng công nghệ mới, mà còn thay đổi cách thức quản lý, marketing và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Các đơn vị quản lý nhà nước đã tổ chức những buổi đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó mời chuyên gia, diễn giả có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ để chia sẻ về các công cụ, phần mềm và giải pháp mới nhất. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp từ tổ chức, quỹ đầu tư, hoặc các chương trình hỗ trợ từ Nhà nước.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()