Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:31 (GMT +7)
Nâng cao giá trị ngành trồng trọt
Thứ 6, 09/10/2020 | 13:09:02 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Đây là kết quả của việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất liên kết theo chuỗi và ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tại TX Đông Triều. |
Do địa hình có tới hơn 80% là đồi núi, nên khu vực miền Đông của tỉnh, nhiều địa phương rất khó khăn về nước tưới, thường cây lúa chỉ trồng được 1 vụ/năm. Để nâng cao thu nhập trên một diện tích đất canh tác, người dân đã chủ động chuyển đổi sang trồng ngô cao sản, ngô sinh khối, dong riềng, nhưng không làm thay đổi kết cấu, tính chất của đất trồng lúa. Những mô hình này tại các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên hiện cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa, trung bình từ 10 triệu đồng/ha; riêng mô hình trồng cây dong riềng tại huyện Bình Liêu cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa trên 25 triệu đồng/ha/năm.
Cùng với chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, không ít địa phương đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây lâu năm. Nhiều mô hình đang cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm, như trồng vải chín sớm ở TP Uông Bí cho thu nhập bình quân trên 270 triệu đồng/ha; trồng ổi ở huyện Hoành Bồ cho thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/ha; trồng cam ở huyện Vân Đồn cho thu nhập 200-300 triệu đồng/ha; trồng na ở TX Đông Triều cho thu nhập 300-500 triệu đồng/ha.
Trồng dưa trong nhà lưới tại HTX Nông nghiệp Hương Việt (phường Bắc Sơn, TP Uông Bí). |
Theo thống kê của ngành NN&PTNT tỉnh, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác giai đoạn 2017-2020 là trên 6.000ha. Việc chuyển đổi này đã góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập và tăng diện tích các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng giá trị cao, bên cạnh chuyển đổi các diện tích lúa bấp bênh, kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị cao hơn, ngành NN&PTNT tỉnh cũng đã có những hướng đi phù hợp trong xây dựng và hình thành những “cánh đồng lớn” với những giống lúa chất lượng, cho năng suất cao để đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 17 “cánh đồng lớn” với gần 750ha, trong đó có 150ha lúa đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, ngày càng hình thành những chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo đạt hiệu quả cao giữa nông dân với các doanh nghiệp, như: Liên kết sản xuất giữa Công ty Giống cây trồng Quảng Ninh với người dân trên diện tích liên kết 250ha/năm, sản lượng liên kết trên 1.100ha/năm; người dân liên kết với HTX chất lượng cao Hoa Phong trong tiêu thụ sản phẩm thóc lúa tại TX Đông Triều, sản lượng 500-600 tấn/năm, riêng sản phẩm nếp cái hoa vàng, diện tích liên kết trên 50ha, sản lượng thu mua trên 200 tấn/năm. Nhờ đó, cây lúa vẫn khẳng định được vị thế vững chắc, đảm bảo giúp nông dân có lãi và gắn bó với cây trồng quan trọng này. Dự kiến, đến hết năm 2020, tổng diện tích gieo trồng được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 3.200ha; giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 231 tỷ đồng.
Mô hình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP đang mang lại thu nhập cao cho người trồng TX Đông Triều. |
Trồng trọt là lĩnh vực mang tính đặc thù, gần như 100% nông dân có hoạt động sản xuất liên quan tới lĩnh vực này. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có những rủi ro, khó khăn riêng, khi việc canh tác phải trải dài trên một không gian rộng, có yếu tố mùa vụ, ngày càng chịu tác động bất lợi do thiên tai. Vì vậy, nhiều nơi người dân đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững. Như với cây lúa, hiện tỷ lệ áp dụng cơ giới hoá trong khâu làm đất là gần 15.000ha (92% tổng diện tích gieo cấy), trong khâu thu hoạch là trên 12.500ha (78,9% tổng diện tích gieo cấy).
Theo kế hoạch, dự kiến tổng diện tích gieo trồng được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương trong năm 2020 đạt 918ha (tăng trên 30,6 lần so với năm 2013); giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) đạt 73 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Để đạt mục tiêu này, ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất; đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp phát triển. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông; huy động nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản có lợi thế...
Hoàng Nga
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()