Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:37 (GMT +7)
Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân nông thôn
Thứ 2, 15/08/2022 | 08:02:47 [GMT +7] A A
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với tiêu chí về hạ tầng cơ sở, hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, môi trường, tiêu chí nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân nông thôn luôn được tỉnh, các ngành, địa phương quan tâm.
Năm 2020, huyện Ba Chẽ xây dựng và khánh thành Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao, diện tích 1.600m2 tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Công trình được xây dựng theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu chiêm bái của cộng đồng người Dao huyện Ba Chẽ và tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây trưng bày nhiều tượng sáp, miêu tả lễ cấp sắc và các hoạt động sinh hoạt hằng ngày; nhiều vật dụng, dụng cụ phục vụ lao động sản xuất của người Dao xưa và nay. Công trình được coi như nhà thờ tổ người Dao, nơi gắn kết cộng đồng người Dao.
Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, đây không chỉ là điểm đến du lịch của các du khách muốn tìm hiểu về nét đẹp văn hóa, con người đồng bào Dao Ba Chẽ, mà còn là không gian sinh hoạt tinh thần thường xuyên của cộng đồng người Dao trên địa bàn, nhất là trong dịp các lễ hội truyền thống.
Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng ở khắp các thôn, xã trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Quảng Ninh đã chỉ đạo và phân bổ kinh phí cho các địa phương xây dựng hơn 1.500 nhà văn hóa thôn, khu. Phần lớn các thiết chế văn hoá trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở.
Cùng với quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, ngành VHTT các địa phương đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong cộng đồng dân cư. Qua đó, từng bước khơi dậy bản sắc văn hóa địa phương, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân toàn tỉnh.
Tại huyện Tiên Yên, việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được địa phương rất chú trọng. Trên địa bàn huyện hiện có 3 CLB hát then tại các xã Hà Lâu, Điền Xá, Phong Dụ; 2 CLB hát soóng cọ tại xã Đại Dực; 3 CLB hát đối dân tộc Dao tại các xã Đông Ngũ, Yên Than, Hải Lạng; 2 CLB văn nghệ dân gian và hát soóng cọ của các trường học trên địa bàn. Các CLB này đã góp phần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của người dân ngày càng phát triển.
Tại TX Đông Triều, Hội LHPN thị xã phát động, thành lập hơn 100 CLB dân vũ, bóng chuyền hơi, thu hút trên 2.000 hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt. Qua đó, tạo nhiều sân chơi vui, khỏe, có ích, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân nói chung, phụ nữ thị xã nói riêng.
Huyện Bình Liêu dành nhiều quan tâm đến phong trào thể dục thể thao, như tuyên truyền vận động người dân tham gia Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Phong trào thể dục thể thao trên địa bàn huyện ngày càng nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Vào các dịp lễ hội: Đình Lục Nà, Soóng cọ, Kiêng gió, Hoa sở, Mùa vàng... huyện đều tổ chức các giải thi đấu để nhân dân và các tổ chức có dịp tham gia tập luyện, thi đấu…
Các phong trào văn hóa, TDTT đã trở thành nét đẹp sinh hoạt tinh thần của nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng lối sống, môi trường văn hóa lành mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân nông thôn.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()