Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:54 (GMT +7)
Nâng cao đời sống nông dân gắn với rừng gỗ lớn
Chủ nhật, 13/11/2022 | 10:20:05 [GMT +7] A A
Phát triển rừng gỗ lớn là chủ trương lớn của tỉnh, cũng là một hướng giải quyết việc làm, nâng cao đáng kể mức thu nhập cho hội viên, nông dân. Do đó năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nhận được sự tham gia tích cực từ các cơ sở hội về nhiệm vụ này.
Với vai trò của mình, thời gian qua, Hội Nông dân trong tỉnh luôn chú trọng phát động, đưa việc trồng, bảo vệ rừng, cây xanh trở thành phong trào thi đua rộng khắp các cơ sở hội. Tại những chi hội, hội viên sản xuất lâm nghiệp, việc trồng rừng được gắn liền với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu chính đáng.
Trong những năm gần đây, nội dung thi đua này càng được chú trọng, xác định sẽ góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng NTM, phát triển rừng gỗ lớn, cụ thể hóa Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững và thực hiện chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS mà tỉnh đề ra.
Với định hướng này, nhiều giải pháp đồng bộ đã được Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện xuyên suốt trong năm 2022. Ngay từ đầu năm, Hội đã tổ chức chương trình phát động, ra quân trồng cây gỗ lớn, cây bản địa gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh nguồn nước tại đồng thời 3 địa phương là huyện Ba Chẽ, huyện Bình Liêu và TP Móng Cái.
Kết quả của đợt ra quân này là đã có gần 24ha đất rừng của hội viên nông dân, rừng cộng đồng đã được trồng các loại lim, quế, giổi giống bản địa, số lượng đạt gần 43.300 cây. Trên cơ sở huy động các cán bộ, hội viên nông dân có diện tích đất rừng lớn, có điều kiện kinh tế làm trước, phong trào trồng rừng gỗ lớn tại các địa phương này dần lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở kêu gọi, phát động, Hội Nông dân tỉnh còn chỉ đạo tới hội các địa phương phải duy trì các hoạt động đồng hành thường xuyên để đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả cao nhất. Cụ thể, bằng việc tổ chức các chương trình tư vấn, tập huấn miễn phí về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gỗ lớn bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”; kết nối chặt chẽ với từng chi hội, hội viên để tiếp nhận kịp thời những băn khoăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời tới cấp có thẩm quyền trong thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi rừng... Các hộ có kinh nghiệm được mời đến giao lưu, trực tiếp chia sẻ với các hội viên tại địa phương khác, giúp các hộ hiểu và vận dụng tốt các kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng tỉa thưa, quản lý bảo vệ rừng, phòng chống sâu bệnh hại rừng và bảo vệ rừng gỗ lớn.
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh cũng phát huy hiệu quả nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, hợp tác với các Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT... để hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn tín chấp, phục vụ cho đầu tư cải tạo đất, mua cây giống và các chi phí chăm sóc ban đầu. Ngay từ các đầu mối là Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố cũng chủ động triển khai việc thẩm định, phê duyệt cho vay theo dự án nhóm hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp do hội viên nông dân làm chủ, các chi, tổ hội nghề nghiệp liên quan đến kinh tế rừng. Từ đó, góp phần khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giới thiệu các vườn ươm cây gỗ lớn, cây lâm nghiệp được thẩm định về chất lượng, uy tín trên địa bàn tỉnh cho tổ chức, cá nhân lựa chọn mua cây giống. Năm 2022, các cấp hội đã trồng thêm khoảng 2.500 cây gỗ lim, giổi, lát, cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Có thể khẳng định, đến nay, phong trào trồng rừng gỗ lớn mà Hội Nông dân phát động thực hiện đã nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc chủ động, tích cực của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân. Không chỉ là một nguồn sinh kế bền vững trong tương lai, đây cũng là những tín hiệu tích cực về sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng với vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững KT-XH của địa phương.
Giai đoạn 2022-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng năng suất rừng trồng từ 10m3/ha hiện nay lên 15m3/ha; đến năm 2025 có 5.000ha rừng lim, giổi. Đồng thời, ổn định tỷ lệ che phủ của rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng; ưu tiên trồng rừng gỗ lớn với diện tích 24.000ha cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; chuyển hóa trên 10.000ha rừng keo gỗ nhỏ trên địa bàn các địa phương: Ba Chẽ, Cẩm Phả, Hải Hà, Hạ Long và Tiên Yên. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đầu tư xây mới 1 vườn ươm giống có công suất trên 10 triệu cây/năm; nâng cấp mở rộng hệ thống 88 vườn ươm theo hướng hiện đại; khai thác hiệu quả diện tích rừng thông nhựa hiện có…
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()