Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:41 (GMT +7)
Vân Đồn: Nâng cao đời sống của nhân dân
Thứ 7, 26/11/2022 | 07:38:56 [GMT +7] A A
“...Phải làm giàu về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, trồng cây, đánh cá và chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân, dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống cho mọi người..." - đó là lời căn dặn vô cùng ân tình, sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho cán bộ, nhân dân và bộ đội trong lần Bác về thăm đảo Ngọc Vừng ngày 12/11/1962. Nâng cao đời sống nhân dân theo di nguyện của Người cũng là nỗi trăn trở suốt hơn nửa thế kỷ qua của cấp ủy, chính quyền các cấp nơi huyện đảo tiền tiêu.
Một trong những thành tựu lớn nhất trong KT-XH của Vân Đồn chính là bên cạnh phát triển kinh tế một cách toàn diện, đồng bộ cơ sở hạ tầng, thì đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã không còn hộ nghèo. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần đều đã được cải thiện rõ rệt. Kết quả này, để đạt được không phải là chuyện ngày một ngày hai, nhất là đối với một địa phương có xuất phát điểm thấp như Vân Đồn.
Sau 12 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, 100% xã trên địa bàn Vân Đồn đã được công nhận đạt chuẩn NTM; trên 50% xã hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Năm 2022, huyện Vân Đồn được công nhận đạt chuẩn NTM, với nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao. Đặc biệt, xã đảo Ngọc Vừng - nơi đón Bác về thăm cách đây 60 năm, là xã đầu tiên trong toàn tỉnh được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Kết quả này đã khẳng định sự chung sức, đồng lòng, sáng tạo, sẵn sàng vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trong phát triển KT-XH.
Có thể khẳng định, thành tựu nổi bật trong xây dựng NTM của Vân Đồn chính là đã tập trung vào khâu phát triển sản xuất, nâng cao mức thu nhập bình quân cho người dân và hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn. Người nông dân Vân Đồn đã được tiếp cận với nhiều cách thức sản xuất kinh doanh mới hiệu quả và làm giàu bền vững. Nhiều hộ đã có thu nhập 200-300 triệu đồng/năm từ nuôi trồng thủy sản, từ các mô hình vườn mẫu, cho ra thị trường những sản phẩm OCOP có giá trị cao, điều mà trước đây rất hiếm.
Theo ông Đỗ Mạnh Ninh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hạ Long, hiện nay mức sống của bà con trên địa bàn xã đã nâng cao rõ rệt. Các mô hình sản xuất kinh doanh có áp dụng thành tựu KHKT, các mô hình vườn mẫu trong trồng trọt, nuôi trồng thủy hải sản quy mô lớn, tập trung thành các vùng nuôi, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với hình thức nhỏ lẻ trước kia.
Nuôi trồng quy mô lớn cũng đã được áp dụng thành công trên địa bàn xã Vạn Yên. Bà Lê Thị Bảy (thôn 10/10, xã Vạn Yên), chia sẻ: Với hơn 100 hộ trồng cam, tổng diện tích khoảng 183ha, nhằm duy trì, thúc đẩy phát triển bền vững cây cam, các hộ gia đình tại xã Vạn Yên đã kết nối, hình thành 2 HTX, đó là HTX Nông trang Vạn Yên và HTX Cam 10/10, để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện. Cam Vạn Yên từ lâu đã trở thành sản phẩm OCOP của địa phương, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Không chỉ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, các vùng quê của Vân Đồn đã mang một sức sống mới. Y tế, giáo dục được đầu tư về mọi mặt. Các giá trị văn hóa tốt đẹp được bảo tồn và phát huy. Đời sống văn hóa khu dân cư ngày càng được nâng cao, với các thiết chế văn hoá được đầu tư khang trang, hoàn thiện. Người dân được sống trong một địa bàn an toàn, ổn định và dễ dàng tiếp cận thông tin, pháp luật.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()