Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:26 (GMT +7)
Nâng cao đời sống của người dân vùng chè Hải Hà
Thứ 5, 20/07/2023 | 08:33:37 [GMT +7] A A
Được định hướng là một trong các sản phẩm OCOP cấp quốc gia, thương hiệu chè Hải Hà được chính quyền và các hộ sản xuất kinh doanh của địa phương quan tâm, phát triển sản phẩm theo hướng bền vững.
Nếu như trước đây trồng chè trên địa bàn còn mang tính tự phát và nặng tính thủ công, thì nay từ định hướng phát triển vùng chè nguyên liệu, huyện Hải Hà đã tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào tất cả các khâu, từ cơ cấu giống, chăm sóc, đến thu hái và chế biến.
Để tiếp tục nâng cao vị thế cây chè, từ năm 2022 đến nay huyện Hải Hà thực hiện Dự án cơ cấu lại ngành sản xuất chè thông qua việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến; tổ chức quảng bá và xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, huyện khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, chú trọng khâu thu hoạch chè búp tươi, hình thành thói quen thu hái chè đạt tiêu chuẩn “1 tôm 2-3 lá”… Đến hết năm 2022, toàn huyện có gần 2.000 hộ dân trồng chè với tổng diện tích trên 805ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm hơn 74%. Hiện toàn huyện có 38,8ha chè có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Hoàng Văn Thường, một trong những hộ có diện tích chè lớn của Hải Hà, cho biết: Nhờ trồng giống mới mà chất lượng chè trên địa bàn thơm, ngon hơn; vị chè đậm đà hơn; bà con tiêu thụ cũng dễ dàng hơn. Hiện năng suất chè gia đình tôi thu hoạch được 10-12 tấn/ha/năm.
Được biết, mỗi vụ thu hoạch, ngoài lực lượng lao động của gia đình, ông Thường và nhiều hộ trồng chè còn thuê thêm nhân công để thu hái, vận chuyển chè đi tiêu thụ. Điều này góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.
Không chỉ thúc đẩy vùng sản xuất, huyện còn tích cực kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào chế biến, sản xuất, tiêu thụ chè trên địa bàn và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất; vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đổi mới, nâng cấp công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến chè xanh cao cấp.
Hiện Hải Hà có 3 cơ sở chế biến chè với công suất khoảng 15 tấn/ngày/cơ sở và có 8 cơ sở chế biến nhỏ. Từ năm 2022 đến nay, huyện chuyển giao 4 quy trình công nghệ chế biến chè chất lượng cao gồm: Quy trình công nghệ chế biến chè xanh thơm; quy trình công nghệ chế biến chè xanh sợi; quy trình công nghệ chế biến chè mao tiêm và quy trình công nghệ chế biến chè hồng trà. Qua đó, một số cơ sở chế biến đã sản xuất được các sản phẩm đặc trưng như: Chè xanh thơm, xanh sợi của cơ sở chè Dũng Nga, cơ sở Thắng Hóa với nguyên liệu là chè trung du, Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn; sản phẩm hồng trà của cơ sở Đào Thị Bính; một số sản phẩm sản xuất thử nghiệm của cơ sở chè Dũng Nga…
Bên cạnh chuyển giao công nghệ, huyện Hải Hà còn tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất thiết kế mẫu mã bao bì cho những sản phẩm chè được sản xuất theo dây chuyền và quy trình mới; đăng ký nhãn mác cho các cơ sở chế biến có nhu cầu và tham gia vào chu trình OCOP; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Hiện sản phẩm chè của Cơ sở chế biến chè Dũng Nga là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Huyện cũng phát triển mới 2 sản phẩm (chè tôm nõn và hồng trà) của Cơ sở chế biến chè Đào Thị Bính tham gia chu trình OCOP và được đánh giá xếp hạng 3 sao.
Ông Trần Sỹ Dũng, Giám đốc Cơ sở chế biến chè Dũng Nga (thôn 8, xã Quảng Long) cho biết: Cơ sở chế biến của tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ huyện về đổi mới công nghệ. Ngoài sản xuất nguyên liệu chè thô để xuất sang thị trường Trung Quốc và các nước Trung Đông, tôi cũng đầu tư sản xuất các sản phẩm tinh chế. Những sản phẩm tinh chế tiêu thụ rất tốt ở thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nhờ tăng cường đầu tư tái cơ cấu lại, cây chè Hải Hà đã tạo được vị thế nhất định trên thị trường trong và ngoài tỉnh cùng như ở một số nước. 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng chè búp tươi trên địa bàn huyện đạt 2.880 tấn. Việc nâng cấp các cơ sở và dây chuyền chế biến để sản xuất những sản phẩm chè chất lượng có giá trị cao cũng đã làm thay đổi cơ cấu thị trường và giá thu mua nguyên liệu tươi của các cơ sở chế biến. Thị trường tiêu thụ chè búp tươi ổn định với mức giá bình quân 6.000 đồng/kg đối với chè trung du, 8.000-10.000 đồng/kg đối với chè Ngọc Thúy. Đời sống nhân dân vùng chè nhờ đó ngày càng được nâng cao.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()