Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:46 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Thứ 4, 25/05/2022 | 11:18:00 [GMT +7] A A
Đánh giá công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh có nhiều đổi mới, tiến bộ và kết quả tích cực, nhiều đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị cần giải quyết một số hạn chế, bất cập tồn tại từ lâu, đặc biệt liên quan đến chất lượng rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Đánh giá tác động chính sách còn hạn chế
Băn khoăn về chất lượng hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhấn mạnh, chất lượng đánh giá tác động chính sách ngay từ khâu đề nghị xây dựng luật, nghị quyết còn hạn chế. Theo đại biểu, đây là vấn đề đã được nêu ra rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được khắc phục, nhất là đối với những nhiệm vụ lập pháp mang tính cấp bách thì vấn đề này càng đáng lưu tâm hơn.
Không ít các chính sách pháp luật được đề xuất trong các dự án luật, nghị quyết còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa rõ về nội dung quy định được thiết kế để cụ thể hóa chính sách và do vậy, đánh giá tác động chính sách cũng còn sơ sài, hình thức không rõ định lượng.
So sánh báo cáo đánh giá tác động chính sách khi đề nghị xây dựng luật, nghị quyết để đưa vào chương trình và khi dự án luật, nghị quyết đã chính thức được đưa vào chương trình trình Quốc hội cho thấy, về mặt nội dung không có sự hoàn thiện đáng kể, chất lượng báo cáo tổng kết thi hành pháp luật cũng cần được nâng cao hơn, cần tách bạch rõ những kết quả hạn chế do quy định của văn bản luật, nghị quyết và những kết quả hạn chế do quy định của văn bản dưới luật, những vấn đề do quy định pháp luật và những vấn đề do tổ chức thi hành pháp luật.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, chất lượng rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được cải thiện hơn, bảo đảm rõ ràng. Đặc biệt, thiết kế điều về áp dụng luật trong các dự thảo luật phải được đầu tư hơn. Qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cho thấy, đây là nội dung có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng phải làm rõ, hoàn thiện thêm để phân biệt rõ về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng.
Chung quan điểm, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng đã mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, bất cập, tồn tại qua nhiều năm chưa được khắc phục triệt để như hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ, đúng theo quy định, chương trình phải điều chỉnh nhiều lần, thậm chí có những dự án luật đã xin Quốc hội điều chỉnh, đưa vào, rút ra rất nhiều lần.
“Dự án luật nào xin điều chỉnh cũng có lý do chính đáng, thuyết phục và Quốc hội cũng không thể ép khi dự án luật chưa chuẩn bị chín muồi, đầy đủ hoặc lý do vì yêu cầu cấp thiết phải bổ sung vào chương trình để Quốc hội xem xét, thông qua”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nêu ý kiến.
Để đáp ứng yêu cầu, mong mỏi, kỳ vọng của cử tri, địa phương về hoạt động lập pháp của Quốc hội, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tới việc tăng tính dự báo, tính chủ động của các cơ quan đề xuất các dự án luật cho kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế, hạn chế việc xây dựng chính sách, cơ chế quy định bằng các nghị quyết thí điểm.
“Đã thí điểm 5 năm cũng là thời gian đủ cho chúng ta đánh giá để xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, nhưng có trường hợp chúng ta xin gia hạn kéo dài thêm 2 năm, 3 năm, thậm chí là 5 năm. Như vậy, thí điểm gần 10 năm thì cũng gần như bằng tuổi thọ trung bình của một luật. Việc thí điểm này có thể tạo ra sự không hài hòa, bình đẳng giữa ngành, lĩnh vực, địa phương này với ngành, lĩnh vực, địa phương kia”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nêu vấn đề.
Thay vào đó, vẫn có thể giải quyết tình huống do không chuẩn bị kịp việc xây dựng, sửa đổi toàn diện 1 luật thì có thể áp dụng 1 luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật theo thủ tục rút gọn. Từ đó, bóc tách những vấn đề rõ ràng đã lỗi thời, không còn phù hợp, khả thi hoặc vấn đề mới phát sinh để điều chỉnh, bổ sung pháp luật, đại biểu đề xuất.
Ngoài ra, theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, những vướng mắc, khó khăn, những phát sinh mới, những chồng chéo giữa các quy định trên các lĩnh vực có thể điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật dưới luật như các nghị định, thông tư, nghị quyết của Chính phủ, của bộ, ngành thì các cơ quan của Chính phủ cũng nên kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để tháo gỡ cho địa phương, doanh nghiệp.
Bám sát yêu cầu thực tế
Đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, nhiều ý kiến thống nhất với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất lượng và những cố gắng của Chính phủ trong việc lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022 với rất nhiều các biến đổi, thách thức trên thực tế đối với đất nước.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, tiếp tục nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này của Chính phủ vẫn coi trọng xây dựng thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là ưu tiên số 1, số lượng các phiên họp của Chính phủ về xây dựng luật pháp lệnh cũng rất nhiều, là một cố gắng rất là lớn của Chính phủ.
Về cách làm của năm nay, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết có những điểm khác với cách làm trước và cũng đã đạt được sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Thí dụ như tổng cộng các tờ trình để bổ sung, thực hiện làm chương trình 2023 và điều chỉnh bổ sung chương trình 2022 của Chính phủ đã có 6 tờ trình và cứ có tờ trình nào thì Ban Pháp luật thẩm định các Hội đồng dân tộc, các Ủy ban tham gia thẩm định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo hình thức cuốn chiếu thì cũng là cái khác và nó cũng đáp ứng yêu cầu thực tế đề ra”, Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin.
Liên quan những hạn chế kéo dài trong thời gian nhiều năm, theo Bộ trưởng, Chính phủ, Quốc hội cũng đã cố gắng tuy nhiên chưa xử lý được dứt điểm, chẳng hạn như hồ sơ mặc dù đến gần 9.000 trang nhưng có những lúc vẫn chưa đủ.
“Tính ổn định của xây dựng chương trình cũng là 1 vấn đề, mặc dù cũng có những ý kiến khác, trước đây chúng ta có chương trình nhiệm kỳ nhưng sau này chúng ta bỏ, vì nó không phù hợp với thực tế. Chính phủ kỳ này trong năm 2021-2022 là không xin rút, có một số dự án luật chưa đáp ứng được chất lượng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cho phép trình Quốc hội và Chính phủ tiếp tục có nghiên cứu để bổ sung vào chương trình”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.
Theo Bộ trưởng, Bộ Tư pháp cũng sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý, kể cả những gợi ý về các dự án cụ thể để tiếp tục tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhằm có các giải pháp hữu hiệu hơn cho việc lập, thực hiện chương trình chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm những năm sau tốt hơn năm trước.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()