Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:36 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Thứ 7, 28/01/2023 | 09:42:04 [GMT +7] A A
Phát huy những hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mang lại, Quảng Ninh tiếp tục triển khai phong trào này trong giai đoạn mới với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh.
Quảng Ninh hiện có hơn 70 lễ hội truyền thống, tập trung chủ yếu vào những tháng đầu xuân. Năm nay, khi các lễ hội được tổ chức bình thường trở lại sau đại dịch Covid-19, gắn liền với định hướng phục hồi và phát triển du lịch của tỉnh, dự báo sẽ thu hút được số lượng người tham gia đông đảo. Bám sát chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL và tình hình thực tế địa phương, Quảng Ninh rất chú trọng việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, phù hợp với việc phát huy giá trị văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc, vùng miền. Trong đó bao gồm việc bài trừ mê tín dị đoan, đảm bảo tiết kiệm, công khai niêm yết giá cả hàng hóa dịch vụ, bảo vệ môi trường, phòng ngừa trộm cắp lừa đảo, thực hiện ATTP, ATGT, bảo đảm thuần phong mỹ tục, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc...
Theo lãnh đạo Sở VH&TT, đơn vị đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương trong tỉnh từ rất sớm để đưa ra các giải pháp phối hợp liên ngành trong quản lý, tuyên truyền để nhân dân và du khách nâng cao nhận thức trong việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền được tiến hành đồng thời bằng nhiều hình thức để tác động tới nhận thức của đông đảo nhân dân, tranh thủ uy tín của các bậc cao niên, gương mẫu của các nhà tu hành, tăng ni, chức sắc tôn giáo. Trong quá trình này, Sở VH&TT cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và xử lý các sai phạm nếu có tại các di tích, địa điểm lễ hội, nhằm phục vụ nhu cầu nhân dân, du khách đầu xuân mới cũng như trong cả năm luôn an toàn, lành mạnh.
Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chỉ là một phần nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Những năm qua, phong trào này đã được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh, với nội dung phong phú trên nhiều lĩnh vực đời sống, được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Điển hình như việc các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn cảnh quan môi trường công cộng, bài trừ tệ nạn xã hội... đã được đưa vào nội dung xây dựng NTM, đô thị văn minh. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT cũng diễn ra thường xuyên với nhiều nội dung phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiều gia đình, dòng họ đã gây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, động viên con cháu vượt khó học giỏi, lao động sản xuất. Nhiều khu dân cư được chỉnh trang nhờ cộng đồng dân cư tham gia hiến đất, góp công, góp của xây dựng thiết chế văn hóa, đường làng, ngõ xóm. Ở môi trường công sở, các CBCC-NLĐ hưởng ứng thi đua xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở...
Do đó, việc tiếp tục phát huy, nâng cao chất lượng của phong trào này được Quảng Ninh rất quan tâm thực hiện. Cụ thể như ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND (ngày 28/2/2022) về “Triển khai Chương trình thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2026”; mới nhất là Văn bản số 85/VP.UBND-VX1 (ngày 6/1/2023) “Về việc triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2023”. Trong đó xác định, cần tiếp tục triển khai phong trào một cách kiên trì, thường xuyên trong bối cảnh thực tiễn cuộc sống hiện nay xuất hiện nhiều vấn đề mới, tác động sâu sắc đến nhận thức, hành vi con người, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và sâu rộng; chấn chỉnh kỷ cương, đẩy lùi bệnh hình thức, đặc biệt chú trọng văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao thông...
Quảng Ninh đề ra mục tiêu đến năm 2026, 100% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% xã đạt chuẩn văn hóa NTM; 80% thôn, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp, gia đình giữ vững danh hiệu văn hóa... Tổng hòa của các yếu tố về xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống thượng tôn pháp luật, giữ gìn các giá trị truyền thống, sẽ góp phần quan trọng để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ngày 9/3/2018 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Các mục tiêu chung của Nghị quyết là: Gìn giữ và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; Xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện; Phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc”.
Để thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết, tỉnh xác định 5 nhóm giải pháp quan trọng. Đó là: Bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; Xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()