Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:48 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi
Thứ 5, 17/12/2020 | 14:37:38 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi đã tạo được những tiền đề căn bản nhằm nâng cao chất lượng, chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Hiện nay, GDMN ở các địa phương đã chuyển biến tích cực với mạng lưới trường lớp được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư.
Hoạt động ngoài trời của cô giáo và học sinh Trường mầm non 20-10 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
Theo Vụ trưởng GDMN, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), Nguyễn Bá Minh, đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi được Chính phủ phê duyệt năm 2010 với mục tiêu: Bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục hai buổi/ngày nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng vào lớp 1. Sau 10 năm thực hiện, mạng lưới trường lớp mầm non trên cả nước được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản. Cả nước hiện có hơn 200 nghìn phòng học, trong đó, số phòng học được xây mới trong 10 năm là 105.639 phòng. Tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 77,7%. Đáng chú ý, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng mạnh. Hiện nay, tổng số trẻ mầm non được đến trường là 5.306.501 em (tăng 1.535.018 trẻ so với năm học 2010 - 2011), trong đó, có 1.637.266 trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Các địa phương đã chú trọng đến GDMN, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Khánh Hòa Đỗ Hữu Quỳnh cho biết: Từ năm học 2010 - 2011 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 100 trường mầm non, mẫu giáo từ loại hình dân lập sang công lập; tuyển dụng giáo viên mầm non đáp ứng nhiệm vụ GDMN của tỉnh theo quy định. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương sáp nhập các trường, điểm trường nhỏ lẻ, rải rác trên cùng địa bàn xã, phường, thị trấn nhằm tinh giản bộ máy và đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu, đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ. Còn tại tỉnh Điện Biên, được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi từ năm 2014, và tỉnh luôn duy trì vững chắc kết quả phổ cập GDMN ở tất cả 130 đơn vị cấp xã và tất cả 10 đơn vị cấp huyện. Số trẻ trong độ tuổi được huy động ra lớp năm sau luôn cao hơn năm trước, cùng với đó, các điều kiện để bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng được tăng cường.
Các địa phương đã quan tâm quy hoạch, mở rộng mạng lưới trường, lớp, thu gom các điểm lẻ; rà soát quy hoạch đất đai, dành quỹ đất để xây dựng trường lớp mầm non, ban hành các đề án, chính sách, đầu tư và huy động mọi nguồn lực phát triển GDMN đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi ở các địa phương vẫn còn gặp khó khăn như ở Nghệ An, nhu cầu trẻ đi học tăng cao, trong khi đó, biên chế giáo viên được giao hằng năm phải thực hiện tinh giản. Vì vậy, tỷ lệ giáo viên/lớp thấp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và an toàn cho trẻ. Mặt khác, nhiều địa phương chưa có cơ chế phù hợp để huy động các nguồn lực trong xã hội hóa đầu tư phát triển GDMN. Các tổ chức, cá nhân muốn đầu tư phát triển trường, lớp mầm non vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc được nhận các ưu tiên về đất đai, tín dụng; việc quy hoạch đất ở các địa phương chưa được quan tâm, nhất là tại khu công nghiệp, khu chế xuất…
Đại diện Sở GD và ĐT tỉnh Bình Thuận đề xuất Bộ GD và ĐT tham mưu nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ và mở rộng đối tượng trẻ dân tộc thiểu số vùng khó khăn được hỗ trợ để tạo điều kiện cho trẻ được đến trường, duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần. Còn Sở GD và ĐT tỉnh Phú Yên mong muốn Bộ GD và ĐT phối hợp các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt và kịp thời định biên giáo viên mầm non, nhân viên, nhất là nhân viên y tế để các cơ sở GDMN có đủ điều kiện thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục và chăm sóc trẻ; kịp thời phê duyệt đề án khung vị trí việc làm cho các trường mầm non để bảo đảm số lượng giáo viên, nhân viên theo quy định.
Thứ trưởng GD và ĐT Ngô Thị Minh cho biết, các địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực để bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; ban hành kế hoạch và văn bản hướng dẫn thực hiện đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các chế độ chính sách theo quy định đối với giáo viên mầm non. Trong đó ưu tiên chính sách hỗ trợ giáo viên tại vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Thời gian tới, Bộ GD và ĐT sẽ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan, các địa phương xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 4 tuổi. Các địa phương xây dựng kế hoạch, xác định giải pháp và lộ trình triển khai thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 4 tuổi vững chắc, bảo đảm chất lượng, tính khả thi. Cùng với đó, tham mưu chính quyền địa phương khẩn trương tuyển dụng giáo viên còn thiếu theo định mức để kịp thời đáp ứng quy mô trường, lớp và nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ trong bối cảnh hội nhập...
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()