Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 09:18 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản
Thứ 5, 16/01/2025 | 06:00:46 [GMT +7] A A
Trong thời gian qua, tỉnh chú trọng chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý chất lượng nông sản; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về sản xuất nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Nhằm nâng cao ý thức cho người nuôi trồng, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được các ngành quan tâm thực hiện. Hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATTP đã được các đơn vị, địa phương quan tâm triển khai thực hiện trong dịp lễ, Tết, tháng hành động vì chất lượng ATTP. Trong năm 2024, cấp tỉnh đã tổ chức 6 hội nghị tập huấn với 274 lượt cán bộ phụ trách; cấp huyện tổ chức 212 lớp tập huấn cho trên 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông nghiệp; cấp phát gần 61.500 tờ rơi; hàng trăm tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo ATTP...
Công tác tổ chức sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP tiếp tục được chú trọng; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng công nghệ khoa học. Các vùng sản xuất tập trung tiếp tục được xây dựng, phát triển theo chuỗi giá trị, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải; hình thành, duy trì các khu vực trồng trọt hữu cơ (lúa hữu cơ, chè hữu cơ); công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và nội tiêu được đẩy mạnh, chất lượng sản phẩm được nâng cao, có chỗ đứng ổn định trên thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cây lúa, rau, cây ăn quả, với diện tích khoảng 6.358ha (tương ứng với hơn 10.900ha trồng trọt); khoảng 1.100ha cây trồng duy trì sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, trong đó có 322,35ha đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; có 90ha lúa và 329ha quế (với sản lượng khoảng 479 tấn/năm) được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ. Đến nay, đã cấp được 63 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 1.528ha (trong đó 46 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 17 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu).
Nhiều công nghệ, mô hình sản xuất trồng trọt tiên tiến, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất trồng trọt được áp dụng, phổ biến là hình thức canh tác trong nhà kính, nhà màng, áp dụng các hệ thống giám sát côn trùng, tưới nước tiết kiệm. Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng được triển khai tích cực góp phần kiểm soát tốt tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng, giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng hợp lý các loại vật tư nông nghiệp tạo điều kiện để áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, năng lượng trong sản xuất.
Các hoạt động chăn nuôi cũng có chuyển biến rõ nét, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại áp dụng KHCN. Hoạt động nuôi trồng thủy sản được tổ chức lại không gian nuôi trồng, phát triển nuôi theo chuỗi giá trị.
Đối với các cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản hầu hết đã xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP, ISO 22.000...).
Toàn tỉnh đã thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản, đạt 100% so kế hoạch (999 cơ sở); tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đạt 100% kế hoạch (25.759 cơ sở). Các đơn vị chủ động tổ chức lấy mẫu sản phẩm, giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hóa chất, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, vi sinh vật, ATTP đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, sản phẩm có sản lượng lớn, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, từ quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến đến lưu thông, tiêu thụ, nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ, công đoạn gây mất ATTP đối với các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tập trung khai thác, sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Hết năm 2024, đã tạo 2.489 mã QR code cho các sản phẩm nông sản, thủy sản tham gia hệ thống; đã in và cấp phát 343.073 tem QR code truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Đồng thời, tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; đến nay toàn tỉnh có 405 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao, năm 2024 có 4 sản phẩm tiềm năng dự thi 5 sao cấp quốc gia; có 178 chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3-5 sao.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()