Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:16 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân
Thứ 5, 14/09/2023 | 14:42:47 [GMT +7] A A
Cùng với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh luôn song hành thực hiện các mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng là nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả nội dung “nâng cao chất lượng đời sống nhân dân” của chủ đề công tác năm 2023.
Tính đến ngày 26/8, huyện Hải Hà đã hoàn thành, về đích sớm nhất tỉnh trong thực hiện Chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh. Chương trình triển khai dưới sự chỉ đạo, thực hiện quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp địa phương... qua đó góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện "an cư lạc nghiệp".
Trong ngôi nhà vừa sửa chữa xong, bà Nguyễn Thị Loan (thôn 5, xã Quảng Long, huyện Hải Hà) phấn khởi, cho biết: Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, hai vợ chồng sức khỏe yếu, không có việc làm, thu nhập ổn định. Ngôi nhà cũ thời gian qua xuống cấp, nhưng do gia cảnh khó khăn nên không có điều kiện để sửa chữa. Được chính quyền địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình tôi đã sửa lại ngôi nhà. Có nhà chắc chắn để ở, chúng tôi không phải lo lắng mùa mưa gió, mà có thể yên tâm sinh sống...
Niềm vui của bà Loan cũng giống như bao hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn thể, đơn vị trong triển khai Chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh có 260 hộ có nhu cầu xây mới, 181 hộ sửa chữa nhà ở. Tính đến ngày 8/9/2023, toàn tỉnh có 107 hộ được hỗ trợ đã hoàn thành xây và sửa chữa nhà. Trong đó, 7/12 địa phương (trừ Cô Tô) đã hoàn thành chương trình là: Hạ Long, Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Uông Bí.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn các xã. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội...
Song song với chương trình này, thời gian qua tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ xây nhà cho người có công với cách mạng thông qua rất nhiều chương trình, đề án. Đặc biệt, ngày 21/7/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2031/UBND phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn. Theo thống kê, có 1.450 hộ người có công đã được hỗ trợ (584 hộ xây mới và 866 hộ cải tạo, sửa chữa), tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách trên 81,766 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.
Quảng Ninh là địa bàn kinh tế trọng điểm của khu vực phía Bắc và cả nước; có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung nhiều dự án đầu tư sản xuất, đặc biệt là ngành khai khoáng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều KCN, CCN, trong đó nhiều KCN được quy hoạch có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 43%. Với lực lượng lao động trên 430.000 người, nhu cầu về nhà ở cho NLĐ tại Quảng Ninh là rất cao. Do đó, tỉnh luôn xác định để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, gắn với quy mô và chất lượng dân số, một trong những giải pháp cốt lõi là giải quyết vấn đề nhà ở cho CNLĐ, nhất là lao động ngành Than, công nhân đang làm việc trong KCN, KKT, CCN, đây là đối tượng đặc thù, có số lượng rất lớn tại Quảng Ninh.
Việc xây dựng nhà ở cho công nhân các KKT, KCN nằm trong tổng thể đề án phát triển nhà ở cho CNLĐ ngành Than, KCN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng về làm việc tại Quảng Ninh. Hiện có 2 dự án nhà ở cho công nhân KCN dự kiến hoàn thành và gắn biển chào mừng đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh. Đó là: Dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN Sông Khoai, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.500 người; dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai, khoảng 700 căn hộ.
Cùng với đó, một số dự án nhà ở cho công nhân KCN đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phấn đấu triển khai vào cuối năm nay, như: Dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà) khoảng 1.000 căn hộ; dự án nhà ở xã hội phục vụ CNLĐ tại KCN Cảng biển Hải Hà với diện tích 23ha.
4 dự án phục vụ CNLĐ ngành Than gồm: Khu tập thể công nhân tại phường Hà Lầm, khu tập thể công nhân 5 tầng của Công ty Than Hòn Gai tại phường Cao Xanh, nhà ở công nhân hầm lò tại phường Hà Tu đều thuộc TP Hạ Long và khu tập thể công nhân tại phường Cẩm Thành (TP Cẩm Phả)... đang được lập quy hoạch, phấn đấu hoàn thành thủ tục xây dựng để khởi công trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đánh giá nhu cầu tái định cư trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, quỹ đất tái định cư đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị ít nhất 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất đến năm 2030.
Qua rà soát, nhu cầu tái định cư trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 cần khoảng 20.759 suất. Trong đó, đến năm 2025 cần khoảng 8.614 suất; giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 12.145 suất. Tại các địa phương trong tỉnh, tổng số suất tái định cư đã có quy hoạch chi tiết, đã triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật năm 2023 là 8.828 suất; tổng số suất tái định cư đã bố trí giai đoạn 2024-2025 là 6.863 suất; tái định cư dự kiến bố trí giai đoạn 2026-2030 theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết là 34.309 suất.
Những chính sách an cư đang nỗ lực triển khai đã và đang góp phần quan trọng giúp người dân Quảng Ninh nâng cao đời sống, qua đó góp phần ổn định phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()