Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:10 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm
Thứ 3, 14/11/2023 | 08:29:06 [GMT +7] A A
Thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Quảng Ninh tập trung thực hiện. Cùng với đó, tỉnh còn đa dạng các giải pháp tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Hạ Long là thành phố thủ phủ của Quảng Ninh với dân số thành thị, nông thôn khá đông. Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn luôn được thành phố đặt ra gắn với nâng cao trình độ cho người lao động, nhất là với lao động nông thôn, vùng DTTS. 9 tháng năm 2023, thành phố đã mở 3 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 75 học viên là đối tượng lao động nông thôn, người DTTS tại xã Sơn Dương và xã Bằng Cả; 2 lớp đào tạo nghề dịch vụ du lịch gia đình cho 51 học viên; 1 lớp đào tạo nghề thêu thổ cẩm cho 20 học viên người DTTS.
Cùng với đó, thành phố còn thực hiện triển khai chính sách hỗ trợ tiền học phí và chi phí học tập theo quy định của tỉnh và Trung ương, tạo động lực cho lao động đào tạo nghề. Trong 9 tháng, thành phố đã hỗ trợ theo nghị quyết, quyết định của tỉnh và nghị định của Chính phủ cho tổng số 4.922 lượt học sinh, sinh viên, với tổng số tiền hơn 9,453 tỷ đồng.
Không chỉ với TP Hạ Long, thời gian qua Quảng Ninh quyết liệt chỉ đạo thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 6/3/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 19/4/2023 về thực hiện giải quyết việc làm năm 2023 với mục tiêu tạo 20.000 vị trí việc làm mới.
Trên cơ sở này, các địa phương đều chú trọng rà soát số người trong độ tuổi có và chưa có việc làm trên địa bàn; vận động người lao động đi đào tạo nghề; phối hợp chặt chẽ với các KCN, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn trong đào tạo, tuyển dụng lao động... Mặt khác, tỉnh cũng không ngừng nâng cao hiệu quả lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh đồng bộ với vấn đề giải quyết việc làm; triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm.
Tỉnh, các địa phương còn thực hiện các chính sách, biện pháp khuyến khích, nâng cao hiệu quả thu hút dự án đầu tư ngoài NSNN, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào những ngành, nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế; tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước; thúc đẩy hoạt động XNK, dịch vụ logistics; kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, vận tải... tạo việc làm cho lao động. Được biết, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa bàn 9 tháng năm 2023 đạt 853,93 triệu USD; tổng vốn thu hút đầu tư trong nước đạt trên 45.372,6 tỷ đồng.
Còn Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng tháng có kết nối online trong và ngoài tỉnh; tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 tỉnh khu vực phía Bắc tổ chức phiên giao dịch việc làm online; phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các địa phương, Trung tâm Truyền thông tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề thực hiện công tác tuyên truyền các phiên giao dịch việc làm để nắm nguồn lao động phục vụ hoạt động tư vấn, giới thiệu viêc làm. 9 tháng năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức gần 100 sàn giao dịch việc làm định kỳ, 10 ngày hội việc làm; triển khai tổ chức nhiều buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động cho học sinh tại một số trường THPT và một số trung tâm GDNN-GDTX...
Bên cạnh đó, tỉnh, các địa phương còn quan tâm triển khai quyết liệt, có hiệu quả đề án Phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành Than, KCN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án Làng văn hoá công nhân Vùng mỏ tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả); dự án Nhà ở xã hội công nhân, người lao động tại KCN cảng biển Hải Hà và dự án Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà)...
Nhờ những giải pháp tích cực nói trên, 9 tháng năm 2023, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 28.341 lao động. Tỉnh, các ngành, địa phương đã tạo được tạo việc làm tăng thêm cho 19.369 người, bằng 96,85% kế hoạch đề ra trong năm 2023, tăng 2,04 lần so cùng kỳ năm 2022. Điều này cũng góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()