Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 15:17 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Thứ 5, 01/10/2020 | 07:55:34 [GMT +7] A A
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực du lịch, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, sẽ được tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong nhiệm kỳ 2020-2025. Qua đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu đến năm 2025 Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Nhân viên mới tại khách sạn Phát Linh Hạ Long được đào tạo trực tiếp từ những nhân viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao. |
Một trong những nhược điểm lớn nhất của nhân lực lao động trong ngành Du lịch tỉnh hiện nay là thiếu và yếu kỹ năng nghề, chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn; khả năng giao tiếp bằng các ngoại ngữ hạn chế.
Thời gian qua, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã tập trung nâng cao công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho nhân viên. Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc điều hành khách sạn Phát Linh Hạ Long, cho biết: Để có chất lượng dịch vụ tốt, phải có một đội ngũ nhân lực tự tin, chuyên nghiệp, từ kinh nghiệm làm việc đến tinh thần, thái độ làm việc. Vì vậy, chúng tôi tập trung đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ nhà hàng, gắn với nhu cầu thực tế ở từng bộ phận, để mỗi nhân viên đảm bảo chất lượng dịch vụ chuẩn 5 sao quốc tế. Bên cạnh đó, khuyến khích nhân viên học hỏi, tìm hiểu phát triển các kỹ năng phục vụ trong nhà hàng, khách sạn; truyền đạt, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhân viên.
Cùng việc nâng cao nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ cũng là định hướng mà nhiều đơn vị hướng tới. Theo ông Phạm Ngọc Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP quốc tế Hoàng Gia: Để vận hành khách sạn 5 sao và casino, Công ty đã liên tục mở các khóa đào tạo chuyên đề do các chuyên gia thuộc tập đoàn khách sạn quốc tế và dự án du lịch châu âu - Vitos giảng dạy cho cán bộ, nhân viên. Với lợi thế có trên 60 cán bộ người nước ngoài nói tiếng Anh và tiếng Trung, nhân viên mới của đơn vị còn được bồi dưỡng ngoại ngữ theo nội dung chuyên ngành ít nhất 3 tháng, do cán bộ người nước ngoài hướng dẫn, song song với đào tạo chuyên môn.
Nhân viên Công ty CP Ngọc trai Hạ Long hướng dẫn cách nuôi cấy ngọc cho du khách tham quan. |
Theo thống kê của Sở Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 23.000 lao động trực tiếp, 37.000 lao động gián tiếp hoạt động trong các lĩnh vực du lịch. Trong đó khối khách sạn 9.000 người, lữ hành 1.000 người, các khu, điểm du lịch là 6.000 lao động, nhà hàng, điểm mua sắm 5.000 lao động, phương tiện vận chuyển 5.000 người (tàu du lịch 3.000 lao động).
Quyết định số 1418/QĐ-UBND (ngày 4/7/2014) của UBND tỉnh "Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Trong đó, nhóm giải pháp về dự án xây dựng và bồi dưỡng nhân lực: Phát triển đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng dự báo, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, bảo đảm về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; xây dựng cơ sở đào tạo ngoại ngữ tại Quảng Ninh đạt chất lượng; tài trợ cho các khóa thực tập của học viên ngành du lịch.
Theo đó, để chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành Du lịch, Trường Đại học Hạ Long đang thực hiện đào tại hệ đại học có 3 chuyên ngành: Quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị dịch vụ nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Cùng với đó, ngành Du lịch tỉnh còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua tổ chức xếp loại, thi hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh tại các điểm du lịch góp phần nâng cao trình độ của hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch trên địa bàn. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay đã có 832 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ.
Sở Du lịch đã chủ động rà soát thực trạng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhân viên làm du lịch; tham mưu dành nguồn lực nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Đặc biệt, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về du lịch tại Canada, Newzealand, Australia; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, ngoại ngữ, công tác thống kê du lịch cho cán bộ nhân viên trong ngành Du lịch và cho cộng đồng...
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, tỉnh đã và tiếp tục dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch. Công tác xã hội hóa đào tạo đã được thúc đẩy, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề và ngoại ngữ, với hình thức đào tạo mới và đào tạo bồi dưỡng. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tỉnh đã ký kết với các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về du lịch tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Từ đó, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển du lịch trong thời gian tới.
Hoàng Quỳnh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()