Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:10 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội
Thứ 3, 18/04/2023 | 06:53:57 [GMT +7] A A
Nhờ tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ giải pháp; thời gian qua, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã đạt được kết quả tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.
MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn không ngừng đổi mới hình thức giám sát, lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, thống nhất giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo đồng bộ, không trùng chéo; tăng cường giám sát thường xuyên, đột xuất, không báo trước; triển khai có hiệu quả các nội dung giám sát theo triển khai của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và các cuộc giám sát theo chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra của tỉnh... Công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng với mục tiêu thực chất và hiệu quả cao; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của nhà nước, của doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng triển khai các công trình trọng điểm, động lực trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì triển khai và hoàn thành 8 chương trình giám sát, chủ động phối hợp tham gia hiệu quả 5 chương trình giám sát của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; các tổ chức thành viên chủ trì triển khai giám sát 4 cuộc; cấp huyện chủ trì triển khai 56 cuộc giám sát. Các cuộc giám sát có nội dung liên quan mật thiết tới đời sống nhân dân. Cụ thể, giám sát cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử tại nơi làm việc và nơi cư trú; giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; kiểm tra, giám sát công tác bầu cử Trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025 tại 113/177 xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; giám sát việc chấp hành pháp luật trong giải quyết đơn thư; chủ trì giám sát, tuyên truyền, vận động công tác giải phóng mặt bằng... Kết quả giám sát đã góp phần tích cực vào việc giải quyết các vấn đề bức xúc, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước.
Công tác giám sát còn được đẩy mạnh thực hiện thông qua hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Các ban thanh tra nhân dân các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 532 chương trình giám sát, kiến nghị giải quyết 142 nội dung và đã được xem xét giải quyết với nhiều nội dung kiến nghị liên quan đến công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; việc sửa chữa, trang trí nhà văn hóa các thôn, khu; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; công tác kinh doanh dược phẩm tư nhân tại các nhà thuốc, quầy thuốc; thời gian cấp nước sinh hoạt... Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát 786 công trình, dự án, phát hiện và kiến nghị khắc phục xử lý 121 nội dung. Điển hình, ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã Hạ Long, huyện Vân Đồn phát hiện có 1 tuyến đường đang thi công tại thôn 8, xã Hạ Long nằm trong quy hoạch Dự án Hải Đăng, đã kiến nghị và hiện tại đã dừng thi công; hay Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã Bình Dân, huyện vân Đồn phát hiện công trình sửa chữa 2 cánh phai cống thôn Đồng Cống, xã Bình Dân có 1 cánh bị hở, đã kiến nghị và đã giải quyết, khắc phục...
MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên còn tích cực tham gia phản biện xã hội; thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp để triển khai có hiệu quả việc phản biện xã hội và lấy ý kiến tham gia đối với các dự thảo Luật trình các kỳ họp của Quốc hội. Đặc biệt, thực hiện chương trình phản biện về Luật Đất đai sửa đổi, MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; tổ chức góp ý, phản biện vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 2.193 hội nghị, có 106.540 lượt người tham dự và có trên 5.000 lượt người có ý kiến tham gia.
Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh đã tham gia góp ý, phản biện thông qua văn bản cho 19 dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh và quyết định, chương trình, dự án của UBND. Tổ chức 1 hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND, ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh “Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” với sự tham dự của 80 đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia trên từng lĩnh vực. Hội nghị đã tiếp nhận 20 bài tham luận, ý kiến phản biện bằng văn bản và 11 ý kiến phản biện trực tiếp. Sau hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã có văn bản kiến nghị với 8 nội dung được cơ quan soạn thảo có văn bản phúc đáp tiếp thu và giải trình đúng quy định.
Với nhiều đổi mới trong hoạt động, đồng bộ, phù hợp, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trong tỉnh thời gian qua đã đi vào nền nếp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp nhân dân, được Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()