Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:31 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng giáo dục khu vực dân tộc thiểu số
Thứ 7, 24/02/2024 | 07:38:00 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở vùng DTTS của Quảng Ninh ngày một nâng lên. Khoảng cách, sự chênh lệch giáo dục ở các vùng miền dần thu hẹp.
Tại huyện Bình Liêu, những năm gần đây giáo dục có nhiều khởi sắc, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng đồng bào DTTS. Nhiều ngôi trường vùng sâu đã có sự thay đổi về diện mạo, cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy trò ở những nơi còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Ghi nhận ở Trường Tiểu học Đồng Tâm (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu), năm học 2023-2024, nhà trường đã được đầu tư xây dựng mới 1 dãy phòng học gồm 9 phòng học lý thuyết, phòng chức năng. Công trình này được đưa vào sử dụng đầu tháng 12/2023.
Thầy giáo Lương Trọng Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tâm, cho biết: Hiện nay trường có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ với 28 lớp, 426 học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên gồm 43 người, cơ bản đều trẻ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh. Cơ sở vật chất được bổ sung đã giúp chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được cải thiện, thu hút 100% trẻ em trong độ tuổi ra lớp. Năm học 2023-2024 nhà trường đã có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Cùng với huyện Bình Liêu, tại nhiều địa phương trong tỉnh có đông học sinh là người DTTS cũng đã và đang được quan tâm về giáo dục như vậy. Theo Sở GD&ĐT, tiếp tục triển khai thực hiện đề án Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025, trong năm 2023 toàn tỉnh đã sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất cho 166 hạng mục công trình, trường học, với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư nâng cấp 5 trường học thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, với tổng kinh phí 48,646 tỷ đồng. Qua đó, kéo giảm khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền.
Quảng Ninh có 11,45% dân số là đồng bào DTTS cư trú rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã tập trung hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là ban hành các chính sách giáo dục đặc thù giúp nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-HĐND ngày 31/5/2023, trong đó phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí cơ sở vật chất đạt chất lượng cao ở mỗi cấp học phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí cơ sở vật chất đạt chất lượng cao. Theo lộ trình đến năm 2025 dự kiến có 22 trường (6 trường tiểu học, 8 trường THCS, 8 trường THPT) được đầu tư xây dựng theo tiêu chí chất lượng cao. Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 4 trường THPT, trong đó có 2 trường ở vùng đồng bào DTTS, miền núi là Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu) và Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long).
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3419/QĐ-UBND ngày 9/11/2023 sáp nhập Trường PTDT nội trú Hoành Bồ vào Trường PTDT nội trú tỉnh thành Trường PTDT nội trú THCS&THPT tỉnh Quảng Ninh, nhằm nâng cao chất lượng của nhà trường và điều kiện giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh. Đồng thời, tiếp tục duy trì, tổ chức tốt, nâng cao chất lượng dạy và học tại 5 trường PTDT nội trú (cấp tỉnh 2 trường, cấp huyện 3 trường) với 1.721 học sinh DTTS và 11 cơ sở giáo dục PTDT bán trú với 3.869 học sinh.
Có thể thấy, với sự quan tâm của tỉnh, công tác giáo dục học sinh DTTS trên địa bàn Quảng Ninh đã đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu học tập cho con em vùng đồng bào DTTS, miền núi. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Năm 2023, có 15 giáo viên công tác tại các trường thuộc vùng đồng bào DTTS được khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()