Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:38 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng giải quyết việc làm cho người lao động
Thứ 4, 18/05/2022 | 16:19:31 [GMT +7] A A
Đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trên địa bàn tỉnh. Sản xuất kinh doanh không ổn định dẫn tới vị trí việc làm biến động thường xuyên hơn gây khó khăn cho công tác kết nối thị trường lao động. Chính bởi vậy, các địa phương đều nỗ lực nâng cao chất lượng giải quyết việc làm trên địa bàn.
Để thực hiện, tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều chính sách liên quan đến việc làm như Nghị quyết số 142/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh về Chương trình làm việc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016- 2020; Quyết định số 4103/QĐ-UBND ngày 03/11/2020 của UBND tỉnh ban hành Chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2025.
Trên cơ sở đó, các hình thức tạo việc làm bền vững cho người lao động được thực hiện đa dạng. Các địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn. Đến hết tháng 4/2022, toàn tỉnh có 16.675 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với tổng số vốn đăng ký là 345.350 tỷ đồng. Đồng thời các địa phương thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề để cung cấp nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu đặt ra; nắm bắt nhu cầu lao động trên địa bàn. Trong 4 tháng năm 2022, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai điều tra lao động và tiền lương tại 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương cũng chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu đến năm 2025, lao động trong ngành dịch vụ đạt 49,25%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 22,11%; ngành công nghiệp- xây dựng 28,64% tổng số lao động có việc làm.
Cùng với đó, tỉnh còn chú trọng huy động các nguồn vốn tạo việc làm cho lao động trên địa bàn. Từ năm 2012 đến tháng 3/2022, nguồn vốn thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 1.490,081 tỷ đồng; qua đó, dư nợ đến hết tháng 3/2022 là 1.407,448 tỷ đồng với 28.184 dự án vay vốn.
Thị trường lao động ở nước ngoài cũng được tỉnh tích cực khai thác để hỗ trợ việc làm cho người lao động. Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh đưa khoảng 400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Đặc biệt, Quảng Ninh chú trọng nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm lên trên 45% nhằm giúp người lao động chủ động tìm được công việc phù hợp sở thích, năng lực, từ đó có công việc bền vững, gắn bó lâu dài. Để thực hiện điều đó, tỉnh đã bố trí ngân sách phát triển hệ thống các sàn giao dịch định kỳ tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái; nâng cao hiệu quả kết nối cung- cầu lao động trên thị trường lao động thông qua phát triển các hình thức thông tin thị trường lao động, như điều tra nắm cung, cầu lao động, đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm.
Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức các chợ phiên việc làm lưu động, định kỳ hàng tháng, mở sàn giao dịch việc làm, thiết lập và đưa vào hoạt động fanpage và website để cung cấp thông tin việc làm nhằm tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tìm được việc và học nghề... Riêng năm 2021, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 68 phiên giao dịch việc làm; giới thiệu việc làm, hỗ trợ tuyển dụng cho 4.670 lượt lao động và 550 lượt doanh nghiệp.
Qua nỗ lực của các ngành, địa phương, từ năm 2016 đến 2021, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 28,8 nghìn lao động, trong đó, tạo việc làm tăng thêm cho 18,5 nghìn lao động. 4 tháng năm 2022, toàn tỉnh cũng đã giới thiệu việc làm cho 293 lượt lao động. Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu mỗi năm giải quyết việc làm cho 29,5 nghìn lao động, trong đó, tạo việc làm tăng thêm cho từ 13.000- 15.000 lao động/năm.
Bên cạnh thu hút lao động vào lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, các địa phương cũng tiếp tục tái cơ cấu lại sản xuất nông- lâm, ngư nghiệp theo hướng tập trung, hiện đại hóa để vừa nâng cao năng suất, chất lượng, vừa tạo việc làm ổn định cho người lao động, hạn chế tình trạng việc làm theo thời vụ; đồng thời tập trung nâng cao nhận thức cho lao động khu vực nông thôn, miền núi nhằm thay đổi tập quán lao động. Hiện toàn tỉnh có 629 hợp tác xã đang hoạt động, qua đó, đáp ứng nhu cầu kết nối sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất từ nông, lâm, ngư cho bà con..
Quảng Ninh đang tập trung khắc phục những hạn chế về chất lượng và tính ổn định việc làm chưa cao; khắc phục tình trạng người lao động hay nghỉ việc, thay đổi vị trí việc làm; nâng cao chất lượng nguồn lực lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()