Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:01 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân: Nhìn từ công tác an sinh xã hội
Thứ 7, 30/12/2023 | 16:41:10 [GMT +7] A A
Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 được coi là một bước đột phá trong chính sách an sinh xã hội của Quảng Ninh; thể hiện sự quan tâm đặc biệt, khẳng định tỉnh luôn đồng hành, chung tay cùng các hộ dân gặp khó khăn vươn lên, cải thiện và nâng cao đời sống.
Để giảm nghèo theo chuẩn mới, Quảng Ninh huy động nguồn lực lớn, đồng loạt triển khai trúng, đúng, kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường... cho các địa phương, đặc biệt là những địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào DTTS.
Chỉ tính riêng về hoạt động xoá nhà tạm, nhà ở dột nát, từ tháng 4 đến tháng 9/2023, toàn tỉnh đã huy động gần 33 tỷ đồng tiền mặt, 9.000 ngày công lao động, cùng lượng nguyên vật liệu, hiện vật giá trị 4,5 tỷ đồng để hỗ trợ xây, sửa nhà cho 441 hộ gia đình, trong đó, xây mới 260 nhà, sửa chữa là 181 nhà. Mức hỗ trợ là 80 triệu đồng/hộ xây mới, 40 triệu đồng/hộ sửa chữa. Chỉ 6 tháng sau khi nghị quyết về chuẩn nghèo mới của tỉnh được ban hành, đến hết tháng 9/2023, Quảng Ninh đã hoàn thành hỗ trợ người dân xoá nhà tạm, nhà ở dột nát.
Từ sự nỗ lực cao độ, tính đến ngày 30/11, toàn tỉnh còn 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064% tổng số hộ dân toàn tỉnh và 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797%. Toàn tỉnh có 7/13 địa phương không còn hộ nghèo, 6 địa phương còn lại có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. TP Hạ Long là địa phương đầu tiên trong tỉnh không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo; 7/13 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 1%; 5 địa phương còn lại có tỷ lệ hộ cận nghèo trên 1%.
Cùng với giảm nghèo, năm 2023, những hoạt động đảm bảo an sinh xã hội được ghi nhận triển khai hiệu quả là công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng; công tác lao động, việc làm, tiền lương, BHXH; giáo dục nghề nghiệp; thanh tra, ATVSLĐ và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội... Các đơn vị, địa phương cố gắng tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo thêm việc làm mới, nâng cao số người tham gia BHXH, khuyến khích người dân học nghề, tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội...
Trong năm 2023, hơn 23.400 lao động được tạo việc làm tăng thêm, tăng trên 17% so với kế hoạch, trong đó số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt trên 1.200 người, bằng 301% kế hoạch. Đây cũng là kết quả điểm nhấn trong bức tranh an sinh xã hội của tỉnh năm 2023. Kết quả này đạt được là nhờ các địa phương, đơn vị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 310/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác thu hút, tuyển dụng lao động; giới thiệu, tham gia tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Việc triển khai các hoạt động an sinh xã hội nói trên nhằm cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”. Kết quả của công tác xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh đã củng cố những thành quả, tiếp thêm niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, tạo sự cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()