Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:32 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng đời sống người dân Quảng Ninh theo tiêu chí hạnh phúc
Thứ 2, 27/02/2023 | 18:22:32 [GMT +7] A A
Ngày 27/2, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban tuần để nghe và cho ý kiến về Kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm 2023 về “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” tập trung xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 67.000 tỷ đồng trở lên, trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt ít nhất 1,2 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. Gắn trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương trong triển khai thực hiện đồng bộ các khâu công việc từ xúc tiến, hỗ trợ giải quyết các TTHC đến giao mặt bằng sạch, giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, đất đai, khắc phục những hạn chế về hạ tầng thiết yếu, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính. Đổi mới, nâng cao, tập trung thúc đẩy công tác xúc tiến đầu tư.
Cụ thể hóa nội dung ”Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất 8 nhóm giải pháp. Trong đó, xác định rõ nội dung trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu từ tỉnh đến cơ sở để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra; giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền.
Thống nhất với các ý kiến phát biểu, Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả, thực chất chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, bên cạnh việc phát huy những nội dung, chỉ tiêu đã đạt cao hơn so với bình quân chung của cả nước thì cũng cần phải xác định những chỉ tiêu còn thấp để có giải pháp triển khai thực hiện một cách căn cơ, bài bản. Trong đó, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí về chất lượng cuộc sống của người dân theo tiêu chí hạnh phúc đến 2025-2030, tầm nhìn xa hơn nữa đến năm 2050. Gắn kết việc thực hiện chủ đề công tác năm với thực hiện các nhóm nhiệm vụ về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Về một số chỉ tiêu cụ thể, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cần nghiên cứu xác định chỉ tiêu thực hiện trong năm 2023 và trong cả giai đoạn. Trong đó, riêng trong năm 2023 quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải quyết 20.000 việc làm mới tăng thêm; rà soát quy hoạch, kế hoạch chuẩn bị khoảng 50.000 chỗ tái định cư cho giai đoạn 2023-2030. Hoàn thành 100% phường, xã, thị trấn rà soát quỹ đất phục vụ cho phát triển văn hóa, giáo dục, y tế từ cấp thôn, khu, bản trở lên. Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đạt 100%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc các loại bệnh bẩm sinh phổ biến trước sinh phấn đấu đạt 65%; tỷ lệ trẻ em sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất đạt 60% trở lên. Nghiên cứu chính sách tiếp tục miễn giảm học phí cho học sinh các cấp học.
Liên quan đến nhóm nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng đời sống, phấn đấu tuổi thọ của người dân Quảng Ninh cao hơn mức bình quân cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng và giảm tỷ lệ người già mắc bệnh lý nền. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng phấn đấu thấp hơn so với bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. 100% hộ nghèo ở Quảng Ninh được ở nhà kiên cố. Bổ sung thêm chỉ tiêu phát triển thêm nhà vệ sinh công cộng văn minh lịch sự; phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; đưa vào tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo được tham gia chương trình sữa học đường đạt tỷ lệ 90% trở lên...
Nhấn mạnh đến các giải pháp để phát triển hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tập trung cho công tác đào tạo lao động nông thôn, chuyển dịch từ khu vực nông lâm nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp gắn với ngành Than và các KCN, KKT; phát triển thị trường lao động; mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân; triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững theo tiêu chí mới của tỉnh; phát triển hệ thống các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Về các giải pháp để nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng đời sống nhân dân, phải cải thiện sinh kế để nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; cải thiện thu nhập, nâng cao mức tiêu dùng, hướng đến người dân Quảng Ninh đều có cuộc sống khá giả; giảm chênh lệch mức sống giữa vùng miền. Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu chính sách tiếp tục miễn giảm học phí cho học sinh các cấp học. Nâng cao chất lượng, năng lực khám chữa bệnh, năng lực hệ thống y tế đảm bảo đồng đều giữa các tuyến.
Tiếp tục đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa thể thao; phát triển các mô hình tự quản; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Quan tâm hơn nữa đến đối tượng chính sách xã hội, người có công, người cao tuổi và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm đến phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh; phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc
Đối với nội dung “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư”, cần tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng các KCN, KKT; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đang triển khai. Phải xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, dễ tiếp cận, chi phí thấp và ổn định, bảo đảm an toàn về tài sản cho nhà đầu tư; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, làm giàu chính đáng; đổi mới công tác thu hút đầu tư bằng bộ tiêu chí cụ thể. Qua đó, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thường trực Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: Để chủ đề công tác năm 2023 thực sự đi vào cuộc sống, tạo dấu ấn, từng sở, ngành, địa phương cấp huyện, cấp xã, thôn, bản, khu phố phải tăng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là cho người dân để huy động được mọi nguồn lực, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến đối với dự thảo kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()