Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:55 (GMT +7)
"Học gắn với hành" cho người lao động
Thứ 2, 13/03/2023 | 10:43:46 [GMT +7] A A
Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, trong những năm qua Quảng Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực này. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 86%, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định ANTT, an toàn xã hội, giảm nghèo bền vững.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đồng thời đưa ra chỉ tiêu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 87,5%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4,1%.
Để hoàn thành mục tiêu này, công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh đã được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. Nổi bật trong giai đoạn gần đây là đề án Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025...
Hiện trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN, trong đó 31 cơ sở công lập và 11 cơ sở thuộc doanh nghiệp. Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng đa dạng các hình thức tuyển sinh, như: Đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của đơn vị; phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể tổ chức tuyển sinh và trực tiếp tuyên truyền tại các cuộc họp của thôn, bản, khu phố. Việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp cũng được các cơ sở đào tạo nghề quan tâm.
Tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam - đơn vị tuyển sinh, đào tạo, cung ứng phần lớn lao động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, thay vì tuyển dụng lao động các tỉnh Tây Bắc như trước kia, hiện nay nhà trường đã phối hợp với TKV tập trung khai thác thị trường lao động khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trường đã ký quy chế phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động, thu hút lao động tham gia các khóa đào tạo. Song song với đó, công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cũng được đặc biệt quan tâm, hiện 100% giáo viên của trường đều đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, 100% học sinh được đào tạo và tổ chức cho thi tốt nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, 100% học sinh tốt nghiệp đều có việc làm ổn định tại các đơn vị của TKV.
Bên cạnh đó, nhằm gắn kết đào tạo với thu hút, tuyển dụng lao động, các sở, ngành, địa phương cũng thực hiện tốt chủ trương phối hợp giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm. Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý KKT, các địa phương và các cơ sở GDNN tổ chức làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về nhu cầu nguồn nhân lực, nhằm đưa ra kế hoạch đào tạo đối với các cơ sở GDNN đảm bảo phù hợp với thị trường lao động của tỉnh.
Nổi bật, Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì phối hợp với Ban Quản lý KKT tỉnh và các địa phương tổ chức làm việc với Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên) để tuyển dụng và đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu nhân lực của công ty; phối hợp với Tập đoàn Sun Group vùng Đông Bắc tổ chức hội thảo hợp tác phát triển nguồn nhân lực...
Về phía doanh nghiệp cũng tích cực hỗ trợ các cơ sở GDNN trong vấn đề đào tạo nghề như: Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên các trường đến thực tập tại doanh nghiệp; phối hợp cùng tham gia tư vấn, tuyển chọn nhân lực; phối hợp xây dựng chương trình đào tạo nghề; cùng tham gia đào tạo nghề...
Đơn cử như Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, mỗi năm tiếp nhận tối đa 30 sinh viên tại các chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quốc, môi trường, công nghệ thông tin, sư phạm, văn hóa và du lịch của Trường Đại học Hạ Long tới thực tập. Sau thời gian thực tập, công ty có thể ký kết hợp đồng lao động chính thức dựa trên kết quả đánh giá của thực tập sinh và nhu cầu thực tế của đơn vị. Ngoài ra, công ty sẽ cử chuyên gia đến Trường Đại học Hạ Long để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên ở những lĩnh vực đơn vị có thế mạnh; hợp tác trong triển khai các dự án, chương trình, hội thảo về vấn đề việc làm, cung cấp học bổng cho sinh viên...
Bà Zhang Shu Xia, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, cho biết: Chất lượng nhân lực có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, việc phối hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao tại chỗ được công ty đặc biệt ưu tiên để đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài.
Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 13 địa phương trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch cụ thể giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị trực thuộc triển khai những chỉ tiêu nhiệm vụ về công tác hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động là phụ nữ, người khuyết tật, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người DTTS, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân...
Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ từ tỉnh đến các địa phương, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Quảng Ninh tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48%, trong đó qua đào tạo nghề là 38%, đến năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85,5%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 46%; năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 86%.
Để người lao động gắn bó lâu dài với công việc
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tổng số lao động đang làm việc trên địa bàn tỉnh là 735.000 người. Hằng năm, toàn tỉnh cần bổ sung 30.000-60.000 lao động. Như vậy, đến năm 2025, dự kiến nhu cầu nhân lực cần khoảng 821.000 người, đến năm 2030 là khoảng 874.000 người. Các lĩnh vực có xu hướng sẽ gia tăng nhu cầu về nguồn nhân lực gồm: Chế biến, chế tạo; vận tải; kho bãi; logistics; dịch vụ du lịch... Đây đều là những ngành nghề mà tỉnh đang có định hướng đẩy mạnh phát triển, nhằm mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, các hình thức tạo việc làm bền vững cho người lao động trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện đa dạng, đồng bộ. Các địa phương cũng thường xuyên liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo nghề để cung cấp nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu.
Đặc biệt, Quảng Ninh chú trọng nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm lên hơn 45% nhằm giúp người lao động chủ động tìm được công việc phù hợp với năng lực, trình độ, từ đó có sự gắn bó lâu dài. Tỉnh cũng đã bố trí ngân sách phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm định kỳ tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu trên thị trường lao động thông qua phát triển các hình thức thông tin thị trường lao động, điều tra nắm nguồn cung, cầu lao động, đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm.
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức thường xuyên với hình thức ngày càng đổi mới giúp người lao động tiếp cận được thông tin của các nhà tuyển dụng. Riêng năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức hơn 60 phiên giao dịch việc làm; giới thiệu việc làm, hỗ trợ tuyển dụng cho hơn 5.600 lượt lao động và 550 lượt doanh nghiệp. Không chỉ tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm còn được tổ chức qua hình thức trực tuyến, kết nối các tỉnh trong khu vực để nâng cao hiệu quả giới thiệu việc làm cho người lao động.
Anh Tạ Quang Vũ (phường Hà Phong, TP Hạ Long), chia sẻ: Nhờ tham gia phiên giao dịch việc làm, tôi đã đăng ký nộp hồ sơ và được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long với mức thu nhập ổn định. Tôi rất mong các sàn giao dịch trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động để hỗ trợ nhiều người lao động khó khăn có công việc ổn định cuộc sống.
Qua nỗ lực của các ngành, địa phương, giai đoạn 2016-2022 trung bình mỗi năm toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 28.800 lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho 18.500 lao động. Giai đoạn 2023-2025, tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm giải quyết việc làm cho 29.500 lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho 13.000-15.000 lao động/năm. Bên cạnh thu hút lao động vào lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, các địa phương cũng tiếp tục tái cơ cấu lại sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng tập trung, hiện đại hóa, để vừa nâng cao năng suất, chất lượng, vừa tạo việc làm ổn định cho người lao động, hạn chế tình trạng việc làm theo thời vụ; đồng thời tập trung nâng cao nhận thức cho lao động khu vực nông thôn, miền núi, nhằm thay đổi tập quán lao động. Hiện toàn tỉnh có trên 600 HTX đang hoạt động, qua đó đáp ứng nhu cầu kết nối sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hoài Sơn, trong thời gian tới, công tác giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xác định tập trung vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về lao động việc làm, an toàn vệ sinh lao động; thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch về lao động, việc làm và dạy nghề đã được phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, xây dựng đội ngũ người lao động có trình độ, tác phong chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()