Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:58 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc, miền núi
Thứ 3, 19/03/2024 | 18:38:05 [GMT +7] A A
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh luôn chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng dân tộc, miền núi. Qua đó, vừa giải quyết lao động dôi dư, tạo việc làm, vừa phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đó, sáng 19/3, tại huyện Bình Liêu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị Tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc, miền núi trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp cho 4.701 lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ người dân tộc thiểu số học nghề là 1.385 người (chiếm 29,46% tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo nghề), với 29,77% học nghề nông nghiệp, 69,23% học nghề phi nông nghiệp; hằng năm trên 86% lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; trên 24% lao động được doanh nghiệp tuyển dụng… Công tác hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được một số địa phương tích cực triển khai như: Tiên Yên 601 người, Quảng Yên 582 người, Đông Triều 546 người, Móng Cái 496 người...
Từ những kết quả trên cho thấy công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo ra nhiều công việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã tập trung đào tạo nghề phục vụ phát triển các sản phẩm dịch vụ có lợi thế so sánh với các địa phương khác nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao.
Ông Ngô Văn Mậu, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bình Liêu cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề gắn với phát triển lâm nghiệp và du lịch, dịch vụ trên địa bàn luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2020 đến 2023, huyện mở được 24 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 480 lao động, trong đó có 477 lao động là người dân tộc thiểu số. Các lớp nghề được đào tạo trên địa bàn chủ yếu là sản xuất nông, lâm kết hợp; trồng và chăm sóc cây ăn quả; chế biến món ăn và phục vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện các cơ sở đào tạo nghề, phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương cũng chỉ ra một số khó khăn như: Một số học viên chưa nhận thức được sự cần thiết của việc học nghề, nên học tập chưa chuyên cần. Một số học viên sau khi học xong không áp dụng sản xuất theo nghề đã học. Người lao động còn chọn việc, làm việc không lâu dài, ổn định, không muốn làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, ngại xuất khẩu lao động vì phải xa gia đình. Vẫn xảy ra thực trạng nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, định hướng phát triển của địa phương, do công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa tốt. Công tác phối hợp giải quyết việc làm sau đào tạo chưa chặt chẽ. Chính sách với giáo viên dạy nghề đã có sự điều chỉnh nhưng vẫn thấp, chưa hấp dẫn giáo viên yên tâm với công việc…
Kết luận hội nghị, ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, đào tạo gắn với quá trình đô thị hóa, thực chất, đi theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững; lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Đồng thời, ông Vũ Quang Trực cũng đề nghị các địa phương, cơ sở đào tạo nhanh chóng triển khai các lớp đào tạo nghề mới trong tháng 4 tới, trên cơ sở rà soát kĩ đối tượng cần học nghề, điều chỉnh ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, tăng cường phối hợp giữa các bên chính quyền, mặt trận đoàn thể, cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp và học viên, người lao động…
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()