Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:25 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hạ Long
Thứ 3, 05/07/2022 | 12:55:14 [GMT +7] A A
Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, trong nhiều năm qua, Hạ Long đã thực hiện nhiều giải pháp tạo hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long trước khi sáp nhập cũng như sau khi sáp nhập đã được triển khai tổ chức thực hiện phù hợp thực tiễn, nhằm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Để công tác dạy nghề phù hợp thực tiễn, TP Hạ Long đã thực hiện tốt công tác tư vấn, khảo sát... từ đó dự báo nhu cầu lao động, việc làm trên địa bàn; nhu cầu học nghề của lao động nông thôn... trung bình mỗi năm, thành phố có trên 3.000 hộ gia đình được khảo sát tư vấn trực tiếp. Qua đó, từ năm 2012 - tháng 6/2022, đã có 4.566 lao động nông thôn đăng ký học 34 ngành, nghề, lĩnh vực, trong đó tập trung chủ yếu là: Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng và chăm sóc các loài hoa; trồng và chăm sóc cây ăn quả; kỹ thuật trồng rau, trồng nấm; kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà, cho lợn; nghiệp vụ bàn-bar-buồng; kỹ thuật chế biến món ăn; thêu thổ cẩm truyền thống...
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của thành phố đã đáp ứng tốt việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần cải thiện đời sống khu vực nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và sản lượng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với phương châm phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ thương mại.
Nhờ đó, đến nay sản xuất nông sản hàng hóa của Hạ Long ngày càng phát triển, hình thành nhiều vùng nông sản có thương hiệu, như: Ổi Hoành Bồ, hoa Hoành Bồ, mía tím Sơn Dương... Đối với sản phẩm ổi Hoành Bồ từ chỗ chỉ có khoảng 2ha được trồng đầu tiên tại xã Dân Chủ với mùa vụ chủ yếu tập trung vào tháng 6, tháng 7, đến nay sau khi được tập huấn kỹ thuật cắt tỉa cành và chăm sóc mới, ổi cho quả quanh năm, đồng thời mô hình trồng ổi cũng được nhân rộng với trên 120ha, đem lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân. Nhiều hộ nông dân đã có những hướng phát triển mới phù hợp với xu thế phát triển mang lại giá trị kinh tế, như hộ nông dân Đinh Văn Lượng, thôn 1, xã Dân Chủ hay hộ nông dân Ân Văn Kim, thôn Hà Lùng, xã Sơn Dương đã triển khai thực hiện mô hình phát triển vườn, ao, chuồng gắn với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm và sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc ít người, TP Hạ Long còn quan tâm đến việc dạy nghề thêu may trang phục truyền thống của bà con. Ông Đặng Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bằng Cả, TP Hạ Long cho biết: “Hiện nay, Câu lạc bộ thêu may trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Y của xã vẫn duy trì tốt hoạt động, phấn đấu tất cả công dân nữ đồng bào dân tộc Dao Thanh Y của xã khi lớn lên đều có thể biết may trang phục truyền thống cho mình. Trong dịp hè, những nghệ nhân, người lớn đều tranh thủ dạy thêu may trang phục truyền thống cho các cháu”.
Trong thời gian tới, với xu thế hội nhập phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, nhu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn tay nghề cao ngày càng gia tăng. Bởi vậy, Hạ Long tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, trong đó quan tâm đào tạo nghề phi nông nghiệp để lao động nông thôn có đủ trình độ, năng lực vào làm việc tại các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn.
Xuân Thành (Hạ Long)
Liên kết website
Ý kiến ()