Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:23 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Thứ 3, 20/12/2022 | 07:49:15 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 đề ra chỉ tiêu: Hết năm 2022, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 85,85%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 47,5%; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Để đạt được chỉ tiêu đề ra, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Việt - Hàn với nghề cơ điện, Bùi Xuân Trường (20 tuổi, ở khu 5, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) đã được Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina Quảng Ninh tuyển dụng vào làm việc. Trường cho biết: Trong khi nhiều bạn bè tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm, mặc dù học nghề, nhưng tôi đã tìm việc làm ngay, với thu nhập gần chục triệu đồng/tháng, đảm bảo cho cuộc sống của gia đình.
Theo ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh (Sở LĐ-TB&XH), nhu cầu tuyển thợ của các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh khá nhiều, vì vậy cơ hội việc làm cho lao động trên địa bàn rất lớn.
Thấy rõ được vai trò của đào tạo nghề trong việc thu hút doanh nghiệp, thời gian qua, các địa phương đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn. Cụ thể, TP Hạ Long ngay từ cuối năm 2021 đã chỉ đạo các xã, phường rà soát, thống kê số lượng người đăng ký học nghề. Trên cơ sở đó đăng ký kế hoạch đào tạo nghề với Sở LĐ-TB&XH.
Trong năm 2022, thành phố đã mở 4 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho 95 lao động nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số; đồng thời tăng cường phối hợp phân luồng, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho 100% học sinh lớp 9 tại các trường THCS trên địa bàn. Đề xuất các doanh nghiệp chủ động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên, người lao động tại đơn vị; phối hợp tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ, chợ phiên việc làm, mời các đơn vị trường nghề tham gia tuyển sinh đào đạo...
Bằng các giải pháp tích cực đó, đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố đạt hơn 89%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 71,9%; tỷ lệ lao động chất lượng cao đạt trên 22%, vượt các chỉ tiêu kế hoạch, nghị quyết năm 2022.
Không chỉ TP Hạ Long mà các địa phương đều tích cực nâng cao chất lượng nguồn lao động trên địa bàn, tạo mọi điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tuyển sinh bằng cách thông tin tuyên truyền về đào tạo nghề; thông báo chương trình tuyển sinh của các trường, xu hướng lựa chọn lao động của các doanh nghiệp... để người dân lựa chọn theo học nghề phù hợp.
Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH và các địa phương còn tích cực tuyên truyền chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề trong danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh; rà soát đối tượng thụ hưởng để thực hiện.
Hiện Quảng Ninh có 42 cơ sở GDNN và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN. Trong đó có 31 cơ sở công lập và 11 cơ sở thuộc doanh nghiệp, được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Các cơ sở này không ngừng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên; xây dựng và phát triển chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp... Năm 2022, các cơ sở đào tạo đã tiến hành xây dựng, biên soạn hàng trăm chương trình, giáo trình.
Các cơ sở GDNN còn đặc biệt quan tâm đến công tác tuyển sinh và đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, nhằm nâng cao chất lượng công tác GDNN; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở GDNN, cung cấp thông tin tuyển dụng ngắn hạn đối với các trường, trung tâm dịch vụ việc làm. Công tác phối hợp với nhà trường bước đầu giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết bài toán về tuyển dụng lao động hiện nay, nhất là tuyển dụng lao động thuộc các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, cơ khí, kỹ thuật, công nghệ... Chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các trường GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề được 39.170 người. Trong đó, trình độ cao đẳng là 750 người; trình độ trung cấp là 6.120 người; còn lại là sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng.
Nhờ những nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, các cơ sở GDNN và các doanh nghiệp trên địa bàn đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến nay đạt 85,85%, tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 13.200 lao động, trong đó 898 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()