Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:32 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS
Thứ 6, 14/04/2023 | 08:02:46 [GMT +7] A A
Những năm qua, ngành dân số Quảng Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số, giúp cho người dân được tiếp cận các chính sách dân số một cách chủ động, hiệu quả, đặc biệt là địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Qua đó đã hạn chế được tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hạn chế tình trạng sinh nhiều con…
Sinh đúng, sinh đủ con theo quy định của pháp lệnh dân số để nuôi dạy con cho tốt đã trở thành suy nghĩ và hành động của nhiều người dân ở vùng đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà).
Quảng Lâm là xã vùng sâu, vùng xa hiện có 740 hộ, với 3.033 nhân khẩu, bao gồm 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người DTTS chiếm 98% dân số của xã. Việc tiếp cận các chính sách về DS-KHHGĐ của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số xã đã đi “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, đưa các chính sách DS-KHHGĐ đến gần với người dân hơn. Để làm tốt công tác này, các cán bộ, cộng tác viên dân số đã rà soát, nắm chắc những đối tượng có nguy cơ cao, từ đó có những biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời.
Cụ thể, cán bộ, cộng tác viên dân số đã đến từng hộ gia đình, vận động chị em phụ nữ chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn; tuyên truyền nam giới thực hiện bình đẳng giới, nhằm xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, phải sinh con trai để nối dõi tông đường, cùng chị em thực hiện KHHGĐ.
Chị Chìu Kim Kiều, cán bộ dân số xã Quảng Lâm, cho biết: Chúng tôi phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên đến tuyên truyền cho bà con, nhất là với đồng bào người DTTS; tuyên truyền phải dễ hiểu, dễ nghe để bà con thay đổi nhận thức. Từ đó, người dân chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ, giáo dục con cái tốt, xây dựng gia đình ngày càng tiến bộ, hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những năm gần đây, Hội KHHGĐ tỉnh cũng là đơn vị thực hiện tốt hoạt động truyền thông, tư vấn, chăm sóc SKSS tại các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh. Tại xã Quảng Lâm, đầu tháng 4 vừa qua Hội đã đến tư vấn, thăm khám SKSS và cấp phát thuốc miễn phí cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn.
Trưởng phòng Truyền thông (Hội KHHGĐ tỉnh) Phạm Thị Thu cho biết: Tại các buổi truyền thông, người dân được nghe bác sĩ truyền đạt các nội dung về chăm sóc SKSS, KHHGĐ. Các thông tin về dân số, những hệ lụy về mất cân bằng giới tính, lợi ích sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn SKSS, cách phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản; hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai đều được hội tư vấn đến người dân một cách dễ hiểu. Bên cạnh đó Hội triển khai khám phát hiện các bệnh lý về SKSS, cấp thuốc điều trị tại chỗ miễn phí, cung cấp các phương tiện tránh thai hiện đại. Nhờ hiệu quả công tác truyền thông, không những tỷ lệ sinh con thứ 3 tại xã Quảng Lâm giảm đáng kể, mà ở các xã vùng sâu, vùng xa khác, bà con cũng nắm vững được những kiến thức về sinh sản, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã biết sử dụng các phương tiện tránh thai phù hợp.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 56 xã, 48 thôn vùng DTTS. Các xã đều tập trung phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng sống, tạo việc làm, hỗ trợ dạy nghề cho người dân; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS (già làng, trưởng bản, trưởng thôn...). Nhờ đó, người dân đã có nhận thức đúng, đầy đủ, kết hôn đúng độ tuổi theo quy định. Tại nhiều địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên... hoạt động truyền thông cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS đến người dân ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa được thực hiện hiệu quả, tích cực.
Thực hiện các mục tiêu về nâng cao chất lượng dân số, ngành dân số từ tỉnh đến địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên ở vùng DTTS nguy cơ cao về sinh con thứ 3, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... nhằm tạo sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức góp phần ổn định chất lượng cuộc sống cho người dân ở nơi đây.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()