Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:01 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững
Thứ 6, 01/04/2022 | 13:23:56 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) "Về công tác dân số trong tình hình mới" xác định mục tiêu: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này.
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, những năm qua tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và người dân về công tác DS-KHHGĐ; tăng cường ứng dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng đồng bộ các đề án, chương trình về KHHGĐ, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được đổi mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Nội dung tuyên truyền thường xuyên, ngày càng mở rộng. Đội ngũ làm công tác dân số luôn đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là mô hình mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Dịch vụ KHHGĐ được mở rộng, đa dạng hình thức cung cấp, nâng cao về chất lượng.
Các ngành chức năng tích cực sản xuất, biên tập, cung cấp các bản tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông... nhằm nâng cao nhận thức của người dân chấp hành các quy định của Nhà nước về công tác dân số. Trong năm 2021, Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) đã cấp phát 18.100 tờ áp phích, 900 quyển lịch để bàn, 99 pano tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ cho 13 trung tâm y tế cấp huyện. Các Đề án: Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Kiểm soát dân số biển đảo và ven biển; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... tiếp tục được thực hiện hiệu quả.
Cụ thể hóa mục tiêu mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 con, công tác truyền thông đến từng hộ gia đình được đẩy mạnh. Quy mô gia đình có từ 1 đến 2 con ngày càng phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận hiệu quả các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác.
Từ năm 2011 đến nay, cơ cấu dân số trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến từ cơ cấu dân số phụ thuộc sang cơ cấu dân số vàng, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Chất lượng dân số được cải thiện trên nhiều phương diện, tuổi thọ bình quân năm 2020 là 73,6 (tương đương với toàn quốc); tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh năm 2021 đạt 69%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh năm 2021 đạt 93,6%, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe đạt 96%.
Tuy nhiên, công tác dân số đang đứng trước nhiều thách thức: Vẫn còn sự phân biệt về giới tính, chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền; hạn chế về truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ... Trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số vẫn còn đặt nặng KHHGĐ, chưa chú trọng các mặt cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và tác động qua lại với phát triển. Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao. Để giải quyết những thách thức đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW được coi là "kim chỉ nam" cho công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết đã nhấn mạnh vào việc đổi mới nội dung tuyên truyền, tập trung vào chính sách dân số và phát triển.
Ngành Dân số tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tập trung truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển. Đồng thời, duy trì, nhân rộng và xây dựng các mô hình truyền thông có hiệu quả phù hợp với tình hình mới; nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()