Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:52 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân
Thứ 3, 29/08/2023 | 06:53:09 [GMT +7] A A
Nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song luôn kiên trì với mục tiêu "lấy dân làm gốc", tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Dân là gốc
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, cùng với cả nước, Quảng Ninh phải đối mặt với cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy cam go. Để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, tỉnh đã luôn ưu tiên cao nhất, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khoa học và hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân; chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở.
Từ tỉnh đến các địa phương và cả hệ thống chính trị đã tập trung cao độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên diện rộng có uy mô lớn nhất từ trước đến nay đảm bảo độ bao phủ, an toàn, nhanh chóng. Tính đến ngày 11/7/2023, tổng mũi tiêm trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đạt trên 4,2 triệu mũi (người trên 18 tuổi là 3,5 triệu mũi, trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi là trên 367.000 mũi, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 350.000 mũi). Qua đó, sức khỏe của nhân dân được bảo vệ, hạn chế được các ca mắc Covid-19 có triệu chứng nặng phải nhập viện điều trị, số ca tử vong trên tổng số ca mắc chỉ bằng 1/10 tỷ lệ bình quân chung của cả nước.
Nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh đã đầu tư hoàn thiện đồng bộ các trung tâm y tế cấp huyện, đưa vào hoạt động Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng, nâng cấp Bệnh viện Y dược cổ truyền, mở rộng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, xây mới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, chuẩn bị đầu tư nâng cấp trụ sở 36 trạm y tế xã đảm bảo đồng bộ... Nhờ đó, người bệnh được sử dụng các buồng bệnh khang trang, sạch sẽ, không còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép giường tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh.
Trong 3 năm (2021-2023) mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng tỉnh đã bố trí 1.103 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư công để chi đầu tư cho lĩnh vực y tế, dân số và gia đình. Các đơn vị y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh đã được đầu tư mua sắm các trang thiết bị y tế cơ bản phục vụ công tác khám chữa bệnh và nhiều trang thiết bị hiện đại. Ngành y tế cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực, với trên 9.000 cán bộ, y bác sĩ.
Xác định giáo dục, đào tạo là then chốt, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách cho ngành giáo dục như: Thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh; chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh và ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long; hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023.
Nhờ đó, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh đa dạng, chất lượng giáo dục được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân với tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 89,1%, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 92,1%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 97,6%.
Phát triển văn hóa gắn với thu hẹp khoảng cách
Văn hóa là nền tảng của sự phát triển. Quảng Ninh đã chú trọng xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền. Tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại, văn hóa, du lịch quy mô quốc gia và quốc tế như: SEA Games 31, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX... để lại dấu ấn tốt đẹp về Quảng Ninh.
Trong 2,5 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện 17 dự án tu bổ, tôn tạo di tích với tổng kinh phí trên 247 tỷ đồng, triển khai 3 quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử nhà Trần ở TX Đông Triều. Nhiều lễ hội văn hóa được các địa phương tổ chức hiệu quả, duy trì thường xuyên, hình thành sản phẩm du lịch như: Lễ hội hoa sở, Lễ hội trà hoa vàng, Lễ hội đình Trà Cổ...
Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách riêng có về an sinh, xã hội, phúc lợi. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, ngân sách tỉnh sẽ dành khoảng 2.600 tỷ đồng đê thực hiện chương trình. Trên cơ sở đó, tỉnh đã bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đóng 100% BHYT, giải ngân cho vay các chương trình tín dụng chính sách... từ đó, giúp đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Nhằm hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào DTTS, Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu xoá nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành xóa 246 nhà thuộc diện tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 9/2023, từ đó, giúp người dân an cư lạc nghiệp, cải thiện đời sống, nhân lên niềm tin vào Đảng và chính quyền.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()