Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:40 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn
Thứ 3, 23/04/2024 | 07:48:07 [GMT +7] A A
Theo kết quả điều tra nông thôn nông nghiệp năm 2020 của tỉnh, dân số khu vực nông thôn ở Quảng Ninh là 440.859 người, chiếm tỷ lệ 33,4% tổng dân số trên địa bàn tỉnh. Việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn luôn được Quảng Ninh chú trọng.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch liên quan đến thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trên địa bàn. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động được Tỉnh xem là giải pháp có vai trò quan trọng; qua đó giúp đông đảo người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu, nội dung, cách làm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại địa phương; tạo sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân.
Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế - xã hội - an ninh trật tự khu vực nông thôn được các cấp, các ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ và người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hưởng ứng nhiệt tình. Từ năm 2021 đến 2023, MTTQ các cấp vận động, huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, người dân được trên 84,76 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các hộ nghèo và các hạng mục để hoàn thành Chương trình MTQG về NTM. Chương trình xóa nhà tạm, dột nát trong 3 năm (2021-2023) đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.291 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh, với tổng kinh phí là 78,38 tỷ đồng.
Các dự án kết nối vùng đồng bào dân tộc được tỉnh triển khai mạnh. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hoàn thành 13/15 dự án giao thông động lực, kết nối vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo bằng nguồn vốn Chương trình tổng thể DTTS. Đến hết năm 2023, Quảng Ninh có 176km đường cao tốc, 480km đường quốc lộ; 466km đường tỉnh và 5.265km đường huyện, xã, thôn. Tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 99,8% các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh. Cả 98 xã trên địa bàn tỉnh đều đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại, internet cho người dân.
Quảng Ninh còn quan tâm, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đầu tư 18 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn các xã, nâng tổng số công trình trên địa bàn tỉnh có 274 công trình. Tỉnh đang xây dựng và hoàn thiện Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cao tỷ lệ cấp nước sạch tập trung, đạt chuẩn trên địa bàn toàn tỉnh.
Môi trường khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng được đảm bảo. Quảng Ninh đã tập trung đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung tại các huyện; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt thôn, bản, xã; đầu tư công trình xử lý chất thải sinh hoạt tập trung quy mô cấp xã, cấp huyện và liên huyện.
Chất lượng giáo dục, y tế khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực. Hết năm 2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 90,22%. 177 Trạm Y tế xã/phường/Thị trấn, 16 đơn vị y tế cấp huyện đều đạt chuẩn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế liên tục tăng từ 92% năm 2018 lên 95,3% năm 2023. UBND tỉnh giao Sở Y tế tiếp tục hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn…
Với 727 nhà văn hóa thôn và cả 98 xã của tỉnh đều có Trung tâm Thể thao hoặc sân tập thể thao đơn giản đã giúp người dân khu vực nông thôn có nơi sinh hoạt chung trong cộng đồng dân cư. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí trong các khu dân cư ngày càng sôi nổi, rộng khắp. Tỷ lệ người dân tham gia hoạt động tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao là 50%.
Mặc dù Quảng Ninh có huyện đảo và một số xã đảo, nhiều xã vùng sâu, vùng xa; nhưng với quyết tâm của tỉnh trong đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống kéo điện vượt biển đến người dân. Đến nay, 100% số bộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn…
Có thể khẳng định rằng, với sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương, lực lượng, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và mỗi người dân, chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn của Quảng Ninh được nâng cao. Tính đến hết năm 2023 thu nhập của người dân khu vực nông thôn bình quân đạt trên 73,952 triệu đồng/người/năm, tăng 27,852 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Năm 2023, theo chuẩn nghèo của tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh còn 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064% và 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Còn theo chuẩn nghèo đa chiều của Chính phủ, đến cuối năm 2023 tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo. Cả 98 xã của tỉnh đều đạt NTM, trong đó 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Quảng Ninh cũng đã có 28 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()