Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:07 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ
Thứ 6, 18/11/2022 | 08:15:06 [GMT +7] A A
Ngành Y tế tỉnh và các ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ.
Quảng Ninh hiện có hơn 359.600 phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49. Thời gian qua, các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) được đẩy mạnh với sự tham gia của các ngành, đoàn thể, tập trung vào tuyên truyền tác hại của phá thai, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục...
Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) chủ động cung cấp và nâng cao kiến thức, kỹ năng về SKSS, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chỉ đạo phòng dân số các địa phương chú trọng địa bàn có nhiều cặp vợ chồng trẻ, sinh con một bề, vùng có mức sinh cao, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, chưa áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên…
Nhằm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các trung tâm y tế tuyến huyện đều có khoa chăm sóc SKSS. 177/177 trạm y tế tuyến xã có bác sĩ, y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ, khám quản lý thai nghén, đỡ đẻ an toàn, KHHGĐ..., thực hiện tốt công tác chăm sóc trước, trong, sau sinh, nhằm giảm tai biến sản khoa và tử vong ở phụ nữ.
Có 49 trạm y tế ở các xã xa cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, địa bàn chia cắt và giao thông đi lại khó khăn, đều có bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh có chuyên môn về sản khoa, có phòng khám sản với các dụng cụ cơ bản, thực hiện quản lý SKSS, quản lý thai nghén, sinh đẻ tại trạm, đáp ứng được nhu cầu của người dân. 128 trạm y tế tuyến xã còn lại không thực hiện đỡ đẻ tại trạm, do gần các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, nhưng vẫn thực hiện quản lý SKSS.
Ở tuyến tỉnh, các bệnh viện đưa nhiều kỹ thuật vào phục vụ SKSS cho phụ nữ, như: Phẫu thuật nội soi buồng trứng, tử cung, điều trị u tử cung, chữa vô sinh, điều trị bệnh lây truyền qua đường sinh sản, dịch vụ chăm sóc thai sản, cận lâm sàng, sàng lọc ung thư cổ tử cung, SKSS vị thành niên, sàng lọc trước sinh… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện đã thực hiện xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung để phát hiện sớm và điều trị cho phụ nữ kịp thời.
Các trung tâm y tế đều thực hiện được mổ lấy thai, mổ cấp cứu sản khoa và truyền máu, điều trị dự phòng và điều trị tiền sản giật. Các phòng dân số, khoa phụ sản - chăm sóc SKSS ở các trung tâm y tế duy trì tốt công tác giám sát, thực hiện các chương trình mục tiêu chăm sóc SKSS, KHHGĐ…
Các dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe được mở rộng, với nhiều hình thức, chất lượng ngày càng được nâng cao. Đã có trên 99.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại; hơn 19.000 phụ nữ thực hiện sàng lọc trước sinh; trên 12.700 trẻ được sàng lọc sau sinh…Từ năm 2016 đến nay, ngành Y tế tỉnh duy trì hoạt động khám bệnh lưu động, cấp phát thuốc miễn phí; mỗi năm có từ 15.000-18.000 lượt người dân được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí.
Để phụ nữ có một thai kỳ khỏe mạnh, trong suốt quá trình mang thai, các bà mẹ được thăm khám sức khỏe định kỳ. Hoạt động phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con được đẩy mạnh tại 13 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 8 địa phương triển khai đến cấp xã; phụ nữ mang thai được khám quản lý thai nghén và xét nghiệm sàng lọc HIV sớm để kịp thời điều trị dự phòng.
Nâng cao các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ đã giúp chị em được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách tốt nhất, xóa dần khoảng cách chênh lệch nhận thức về SKSS, về chăm sóc sức khỏe khi mang thai, sau sinh… Qua đó, chất lượng dân số ngày một được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()