Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:00 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ cấp xã
Thứ 7, 04/03/2023 | 16:38:40 [GMT +7] A A
Trong hệ thống chính trị Việt Nam, cấp xã là cấp cuối cùng trong hệ thống 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở. Cán bộ cấp xã được đánh giá là nguồn nhân lực quyết định trong việc thực thi chính sách của Nhà nước, là đội ngũ giữ vai trò cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với quần chúng nhân dân, cũng là những người thường xuyên có hoạt động tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Vì vậy, việc nâng cao năng lực đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn là một trong những yêu cầu vô cùng quan trọng.
Ở Quảng Ninh, tính từ năm 2018 đến nay, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đã mở 15 lớp bồi dưỡng dành cho cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã với trên 1.200 lượt cán bộ tham dự. Ngoài ra, nhiều cán bộ cấp xã còn tham gia các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, lãnh đạo quản lý cấp phòng, cập nhật kiến thức về an ninh phi truyền thống... Tại các trung tâm chính trị cấp huyện, từ năm 2018 đến nay đã mở 1.235 lớp với 146.784 lượt học viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Nhìn tổng quát, các chương trình bồi dưỡng cũng cơ bản đáp ứng được yêu cầu cập nhật thông tin và trang bị kỹ năng cho cán bộ cấp xã trong quá trình thực thi công vụ. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đội ngũ cán bộ cấp xã vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.
Đó là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới; việc cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương, của tỉnh ở một số nơi còn hạn chế; cơ chế lãnh đạo có lúc có việc chưa phù hợp, dẫn tới có lúc có việc chưa toàn diện, kịp thời, sát tình hình. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở một số địa phương, cơ sở chưa thường xuyên; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, cá biệt vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở còn một số hạn chế; nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội nhiều nơi chậm được đổi mới. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều, một số nơi thiếu trọng tâm trọng điểm hoặc còn nể nang, né tránh. Phòng ngừa tham nhũng có mặt chưa hiệu quả thực chất; phát hiện tham nhũng tiêu cực vẫn là khâu yếu, nhất là tự phát hiện trong nội bộ. Hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi chậm đổi mới về nội dung hoạt động; phương thức hoạt động có mặt chưa theo kịp tình hình mới. Nhiều cán bộ cấp xã vẫn còn có tình trạng năng lực chuyên môn vừa thiếu, vừa yếu, nhận thức lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, cho đến kỹ năng công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống ở một số bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu của cơ sở.
Những hạn chế, bất cập trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là do công tác bồi dưỡng vẫn còn một số bất cập. Như chương trình bồi dưỡng vẫn có những nội dung chưa thực sự gắn với nhu cầu của đối tượng và những yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra cần phải giải quyết ở cấp xã; nhiều chuyên đề có phạm vi nội dung lớn, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nhưng thời lượng theo khung chương trình lại không đủ để truyền tải. Cán bộ cấp xã thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền lại có những đặc thù riêng đòi hỏi có sự vận dụng sáng tạo, song hệ thống chương trình, tài liệu bồi dưỡng hiện nay chưa tiếp cận được đến yếu tố đặc thù. Nhiều chương trình bồi dưỡng còn thiếu tính cập nhật, còn một số nội dung lạc hậu, chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, công tác tổ chức, quản lý một số lớp bồi dưỡng cán bộ cấp xã chưa thực sực khoa học, chặt chẽ, chất lượng.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh “Đánh giá chương trình, hiệu quả sau bồi dưỡng và đề xuất giải pháp bồi dưỡng cán bộ cấp xã tại tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025”. Đề tài tiến hành khảo sát đánh giá chất lượng, hiệu quả sau bồi dưỡng giai đoạn 2015 - 2021 đối với nhóm cán bộ cấp xã, bao gồm Bí thư, Phó Bí thư; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND; Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Bí thư Đoàn Thanh niên; Chủ tịch Hội LHPN; Chủ tịch Hội Nông dân; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.
Nội dung khảo sát tập trung vào các vấn đề cơ bản như: Mức độ cải thiện, nâng cao bản lĩnh, trình độ lý luận chính trị, ý thức trách nhiệm, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; cải thiện, nâng cao kỹ năng công tác; sự phù hợp của hình thức tổ chức bồi dưỡng, trình độ giảng viên; đánh giá chất lượng nội dung các chương trình bồi dưỡng đã tham gia… Các tiêu chí đều được đánh giá từ mức khá trở lên, cho thấy, trong thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã đã thu được những kết quả nhất định, trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên đáng kể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn vừa qua.
Đặc biệt, kết quả khảo sát ý kiến cán bộ đánh giá “Mức độ cần thiết phải trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng cho cán bộ xã, phường, thị trấn”, cho thấy 100% cán bộ tham gia trả lời cho rằng “cần thiết”. Đối với từng chức danh bồi dưỡng, câu trả lời về mức độ cần thiết, rất cần thiết phải trang bị kiến thức, kỹ năng gắn với vị trí việc làm chiếm tỷ lệ rất cao đến 72% ý kiến của đội ngũ bí thư, phó bí thư cấp ủy. Các chức danh khác cũng có kết quả tương tự như vậy.
Trên cơ sở phân tích thực trạng hiệu quả chương trình bồi dưỡng giai đoạn 2015-2021 và phân tích nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian tới, nhóm nghiên cứu đã đề xuất chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã phân chia đội ngũ cán bộ cấp xã thành 4 nhóm đối tượng bao gồm: Nhóm đối tượng 1: Bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp xã; Nhóm đối tượng 2: Chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cấp xã; Nhóm đối tượng 3: Chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã; Nhóm đối tượng 4: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và trưởng đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã.
Với mỗi nhóm đối tượng sẽ được thiết kế các chuyên đề bồi dưỡng phù hợp với vị trí việc làm nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, giúp đội ngũ cán bộ cấp xã hoàn thành tốt công việc trong bối cảnh hiện nay. Các kiến thức được chia thành khối kiến thức chung gồm 4 chuyên đề: Hệ thống chính trị cơ sở với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Hệ thống chính trị ở cơ sở với công cuộc chuyển đổi số toàn diện; Xây dựng và phát triển văn hóa, con người góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống chính trị cơ sở.
Nội dung các chuyên đề cập nhật những quan điểm chỉ đạo mới nhất của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là đề cập đến những vấn đề rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay như công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chuyển đổi số. Với các chuyên đề cụ thể, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất những chuyên đề cụ thể, thiết thực gắn trực tiếp với chức trách của đối tượng bồi dưỡng.
Các chuyên đề sau khi được biên soạn xong và được các nhà khoa học thẩm định, đã được nhóm nghiên cứu đưa vào bồi dưỡng thí điểm, kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Đối với 4 chuyên đề chung, các ý kiến khảo sát sau khi được bồi dưỡng, các nhóm đối tượng đều trả lời “rất thiết thực” chiếm tỷ lệ cao nhất tới 100% ý kiến trả lời. Điều này cho thấy, các chuyên đề được thiết kế trong chương trình bồi dưỡng đã đáp ứng rất tốt mong muốn được bổ sung, cập nhật các kiến thức mới của đội ngũ cán bộ cấp xã. Đối với từng chương trình bồi dưỡng cụ thể, kết quả cho thấy, tỷ lệ người trả lời cho rằng “rất thiết thực” dao động từ 75% đến 100% ở mỗi nhóm đối tượng…
Trong bối cảnh đất nước và tỉnh Quảng Ninh phát triển hết sức mạnh mẽ, việc nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ cấp xã nói riêng là một yêu cầu khách quan. Thông qua việc khảo sát đánh giá hiệu quả chương trình bồi dưỡng giai đoạn 2015-2021, nhóm nghiên cứu đã có những kết quả cụ thể, đánh giá được những mặt được, những mặt hạn chế và những điểm khuyết của các chương trình bồi dưỡng trước đó. Đây là căn cứ quan trọng để nhóm nghiên cứu thiết kế các chương trình bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm cán bộ và điều kiện thực tiễn tại tỉnh Quảng Ninh. Kết quả bồi dưỡng thí điểm đã cho thấy hướng đi đúng đắn và hiệu quả rõ rệt từ chương trình bồi dưỡng mới. Từ kết quả thí điểm, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện và nhân rộng mô hình nhằm trang bị những kiến thức vừa cụ thể vừa thiết thực nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ cấp xã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn tới.
ThS. Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ
Liên kết website
Ý kiến ()