Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:06 (GMT +7)
"Nâng bước em tới trường" - Chương trình lan tỏa tình yêu thương
Thứ 2, 17/08/2020 | 08:39:48 [GMT +7] A A
Đến các thôn, bản vùng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của tỉnh, chúng tôi đều được nghe những câu chuyện cảm động về tình quân, dân. Những người lính biên phòng Quảng Ninh, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, còn thường xuyên quan tâm chăm sóc, nuôi dạy con em đồng bào các dân tộc có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ tình thương yêu ấy, nhiều em có điều kiện đến trường học.
Nuôi ước mơ đến trường cho học sinh nghèo vùng biên
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn (TP Móng Cái) thăm, động viên học sinh đơn vị nhận đỡ đầu trong chương trình "Nâng bước em tới trường". |
Đi cùng cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Choỏng Bắc Tài (thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái), là hộ nghèo có hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Đại úy Phạm Công Minh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bắc Sơn, cho biết: Gia đình ông Tài có 3 người con. Con gái lớn năm nay trên 20 tuổi nhưng bị khuyết tật từ nhỏ, không đi lại được, mọi sinh hoạt phải có người chăm sóc. Vợ ông bị bệnh tâm thần. Ông Tài là lao động chính trong nhà, cũng thường xuyên đau ốm.
Biết được hoàn cảnh hết sức khó khăn của gia đình, Đồn đã đứng ra nhận đỡ đầu cả 3 người con của ông Tài, mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/cháu. Trong đó, con gái lớn Choỏng Tài Múi được hỗ trợ suốt đời; 2 em Choỏng Văn Chiu, Choỏng Văn Tý, thông qua chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” được hỗ trợ đến năm 18 tuổi.
Ông Choỏng Bắc Tài xúc động nói: "Cán bộ, chiến sĩ của Đồn thường xuyên đến nhà giúp đỡ, hỗ trợ về kinh phí, động viên, chăm lo cho con tôi học tập. Nếu không có sự giúp đỡ này, chắc tôi không đủ sức lo cho con đến trường. Chỉ mong các con học biết cái chữ, sau này lớn lên không vất vả như bố, mẹ chúng...".
Đồn Biên phòng Trà Cổ (TP Móng Cái) trao tiền hỗ trợ cho gia đình, học bổng cho 2 em Lý Thị Ngọc, Vi Thị Lan Anh, học sinh Trường THCS Trà Cổ. |
Vi Thị Lan Anh, học sinh lớp 6B, Trường THCS Trà Cổ (TP Móng Cái) có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Bố em mất sớm khi em mới được 3 tuổi. Năm 2018, mẹ của em cũng mất vì bạo bệnh. 2 chị em Lan Anh sống nhờ cậy vào bà ngoại, năm nay đã hơn 70 tuổi. Bà ngoại của Lan Anh còn phải nuôi một người con bị tâm thần. Nhiều lần Lan Anh đã xin nghỉ học để đi làm thuê, mong giúp đỡ bà vơi bớt khó khăn. Thấy được hoàn cảnh của gia đình em, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã làm thủ tục và nhận 2 chị em Lan Anh về nuôi theo mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”.
Lan Anh xúc động: “Các chú ở Đồn Biên phòng Trà Cổ đã giúp đỡ 2 chị em cháu và bà ngoại rất nhiều. 2 hai chị em cháu như được sinh ra lần thứ hai. Ước mơ được cắp sách tới trường với cháu giờ đã trở thành hiện thực, không còn phải thấp thỏm lo âu, bữa đói, bữa no như trước. Cháu sẽ cố gắng học tập tốt để đền đáp công ơn của các chú bộ đội, sau này có thể giúp đỡ được nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như cháu…".
Điểm tựa giúp học sinh nghèo vượt khó, học giỏi
Cháu Ma Thị Trang được Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy BĐBP Quảng Ninh, nhận làm con nuôi. (Ảnh đơn vị cung cấp) |
Ma Thị Trang, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Tình Húc (huyện Bình Liêu) cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ nhỏ, em đã mồ côi cha, mẹ, anh trai bị tàn tật. Gia đình em không có khả năng cho em đến trường. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) đã báo cáo cấp trên và xin nhận đỡ đầu, giúp đỡ gia đình em. Em được Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy BĐBP Quảng Ninh, nhận làm con nuôi và giúp đỡ gia đình em thoát khỏi hoàn cảnh éo le. Không phụ lòng các bác, các chú BĐBP, nhiều năm qua Trang luôn là học sinh giỏi của trường.
Ngô Quang Hiếu hiện là sinh viên năm thứ 2, Khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, có lúc tưởng phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ em thường xuyên đau ốm, không có công việc ổn định. Năm 2014, cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu em trong suốt 5 năm học, từ năm lớp 8 đến hết lớp 12. Qua đó, đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin để em vượt khó vươn lên, trở thành sinh viên hiện nay.
Em Ngô Quang Hiếu, sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, thăm các chú bộ đội ở Hải đội 2 BĐBP tỉnh. |
Ngô Quang Hiếu cho biết: "Em thấy đây là chương trình rất ý nghĩa, đã giúp những học sinh khó khăn như em có cơ hội được thực hiện ước mơ của mình. Đây không chỉ là sự đồng hành về vật chất, mà còn là sự sẻ chia về tinh thần, giúp em vươn lên, tiếp bước trên con đường học tập. Em mong muốn chương trình tiếp tục được nhân rộng để thêm nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn được tới trường".
Triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, từ năm 2016, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn các cháu là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; con các gia đình chính sách, người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới có hoàn cảnh khó khăn... để nhận đỡ đầu. Thời gian đỡ đầu tính từ thời điểm đơn vị nhận đến khi học xong lớp 12, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng/cháu. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi phòng, ban, đồn, trạm, mỗi đơn vị nhận đỡ đầu ít nhất 2 cháu.
Đại úy Phạm Công Minh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bắc Sơn, chia sẻ: Đồn đang nhận đỡ đầu thường xuyên 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài trích một khoản tiền lương hằng tháng cùng đồng đội hỗ trợ kinh phí cho các cháu ăn học, anh thường xuyên đến nhà, đến trường để nắm tình hình học tập của các em, động viên các em vượt lên khó khăn, học tập tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh tuyên truyền, hướng dẫn học sinh và gia đình học sinh về công tác phòng, chống dịch Covid-19. |
Không chỉ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh vươn lên trong học tập, từ năm 2018, BĐBP tỉnh còn nhận nuôi 4 học sinh tại tỉnh Sơn La trong chương trình “Nâng bước em tới trường”, góp phần ươm những mầm xanh tương lai trên những vùng đất xa xôi, đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân dân nơi vùng biên giới Đông bắc của Tổ quốc.
Tiếp nối thành công của chương trình “Nâng bước em tới trường”, từ năm 2019, BĐBP Quảng Ninh còn triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” với việc nhận đỡ đầu 16 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường” và 1 năm mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu 89 cháu, trong đó 4 cháu đã hoàn thành chương trình học lớp 12, tổng kinh phí hỗ trợ gần 2 tỷ đồng.
Chứng kiến sự trưởng thành của những học sinh có hoàn cảnh khó khăn chính là động lực để những người lính biên phòng tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, nhân rộng chương trình, mô hình thời gian tới. Thượng tá Nguyễn Thế Thảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trà Cổ, chia sẻ: Đồn nhận nuôi 8 em học sinh; trong đó 3 em đã học hết lớp 12, có công việc làm ổn định. Các em đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, có em mồ côi cả cha và mẹ, nhưng đã vươn lên học giỏi. Cán bộ, chiến sĩ của Đồn coi các em như con em của đồng đội mình.
Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy BĐBP tỉnh khen thưởng cho các học sinh có thành tích cao trong học tập. Ảnh: Hữu Việt |
Các đồn biên phòng còn phối hợp với gia đình, nhà trường, địa phương định kỳ tổ chức các hoạt động gặp mặt, tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó đạt thành tích cao trong học tập.
Nhân dịp khai giảng năm học mới, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Nguyên đán..., các đơn vị đều tổ chức thăm, tặng quà, đồ dùng học tập, quần áo... trị giá hàng trăm triệu đồng, động viên, khích lệ các em vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Tổng kết các năm học, nhiều cháu là học sinh trong diện “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” đạt kết quả học tập tốt. Năm học 2018-2019 có 14 cháu là học sinh giỏi, 27 cháu học sinh khá; năm học 2019-2020 có 18 cháu đạt học sinh giỏi, 32 cháu đạt học sinh khá; một số cháu đang là sinh viên đại học.
Đặc biệt, thông qua chương trình, mô hình, đã trở thành điểm tựa, niềm tin, giúp các em vượt khó vươn lên. Đây cũng là sự tri ân của những người lính mang quân hàm xanh với đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên phòng; tạo tiền đề vững chắc để lực lượng biên phòng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, xây dựng thế trận lòng dân thêm vững chắc.
Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy BĐBP tỉnh, cho biết: Để tiếp tục duy trì, nhân rộng, tạo hiệu quả tốt trong việc thực hiện chương trình và mô hình này, thời gian tới Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của chương trình đến tất cả CBCS, xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thể hiện sự tri ân của BĐBP với đồng bào biên giới bao năm đã kề vai, sát cánh cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc.
Thu Uyên - Nguyễn Chiến
Liên kết website
Ý kiến ()