Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:46 (GMT +7)
Nạn mua bán người vẫn nhức nhối từng ngày - Bài 4: Không ít bất cập trong chính sách hỗ trợ nạn nhân
Chủ nhật, 15/10/2023 | 09:00:00 [GMT +7] A A
Sau khi được giải cứu, nạn nhân của nạn mua bán người cần được hỗ trợ về sức khỏe thể chất, tâm lý, việc làm… để tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Nhưng hiện nay, chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân vẫn còn khá nhiều bất cập.
Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước phát hiện 88 vụ mua bán người với 229 tội phạm, 224 nạn nhân, tương đương cả năm 2022 (90 vụ, 247 tội phạm, 222 nạn nhân). Mua bán người đang diễn ra khắp nơi, nạn nhân gồm cả trẻ em lẫn người lớn, nam lẫn nữ. Loạt bài của Báo Phụ nữ TPHCM phản ánh bức tranh toàn cảnh về vấn nạn này.
Mức hỗ trợ vừa thấp, vừa khó nhận
Là địa chỉ tạm lánh cho nạn nhân nạn mua bán người, trong 10 năm qua, Ngôi nhà bình yên do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (thuộc Hội LHPN Việt Nam) vận hành đã hỗ trợ tâm lý, chỗ tạm trú, nghề nghiệp, việc làm cho nhiều nạn nhân. Trung tâm đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các đơn vị công an, bệnh viện, trường học, cơ sở đào tạo nghề, các ban, bộ, ngành trong nước, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế để việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân được thuận lợi.
Theo bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - nạn nhân của nạn mua bán người thường trở về với những sang chấn tâm lý, nên việc tư vấn tâm lý phải được thực hiện ngay trong thời gian lấy lời khai, lập hồ sơ ở đồn biên phòng hoặc công an. Nhưng sau khi được đưa về nước, nạn nhân thường muốn sớm trở về gia đình để làm ăn, ổn định cuộc sống, chỉ một số ít được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội trong thời gian chờ xác minh. Nhiều nạn nhân có tâm lý “chối bỏ quá khứ”, không muốn nhận sự hỗ trợ từ các đơn vị bảo trợ xã hội.
Bà cho hay, về chăm sóc y tế, các nạn nhân chủ yếu được thăm khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Nhưng trong quá trình bị mua bán, nhiều nạn nhân đã bị xâm hại tình dục, bị cưỡng bức, đánh đập, bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần được chữa trị ngay với chi phí khám và điều trị hàng triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của nạn nhân và cơ sở bảo trợ xã hội. Do bị bán ra nước ngoài nhiều năm, khi trở về nước, một số nạn nhân không có giấy tờ tùy thân, không nói được tiếng Việt nên việc hỗ trợ ban đầu gặp nhiều trắc trở. Nguồn kinh phí hỗ trợ nạn nhân hồi gia bền vững như chi phí học nghề, mua sắm đồ nghề cũng hạn chế.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - chế độ hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người hiện chưa phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, mức chi hỗ trợ 1 triệu đồng cho nạn nhân trở về địa phương là quá thấp. Đã vậy, muốn nhận được khoản này, nạn nhân phải được xác định thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trong khi hầu hết nạn nhân không có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu. Việc hỗ trợ học nghề cũng chưa hiệu quả do phần lớn nạn nhân muốn tìm việc làm ngay để có thu nhập, trong khi các khóa dạy nghề không được mở thường xuyên hoặc dạy những nghề không phù hợp với nạn nhân.
Bà Minh Hương kiến nghị, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về các chế độ hỗ trợ nạn nhân, như nâng mức hỗ trợ ban đầu, sửa đổi chính sách trợ giúp pháp lý cho nhất quán, đồng bộ. Bà cũng cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá thực trạng các mô hình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân hiện nay để bổ sung, điều chỉnh luật cho hoàn thiện, trong đó quan tâm tới mô hình nhà tạm lánh cho nạn nhân bị mua bán.
Có những quy định gây khó cho nạn nhân
Theo bà Khuất Thị Huyền - Trưởng phòng Chính sách Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định nạn nhân của hành vi mua bán người được trợ giúp pháp lý nếu có khó khăn về tài chính. Điều 2, Nghị định số 144 ngày 15/12/2017 của Chính phủ hướng dẫn: điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp của xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật.
Quy định này gây rất nhiều khó khăn cho nạn nhân trong quá trình hòa nhập cộng đồng bởi khi trở về, hầu hết nạn nhân đều cần làm các thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, khai sinh cho con và nhận chế độ hỗ trợ, một số nạn nhân còn tham gia đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ mua bán người. Cũng giống như quy định về mức hỗ trợ 1 lần cho nạn nhân khi trở về nơi cư trú (tối thiểu 1 triệu đồng/người), quy định này rất khó thực hiện do nạn nhân bị mua bán không có mặt ở địa phương quá lâu, không có hộ khẩu nên khó xác định hộ nghèo, cận nghèo.
Một điều quan trọng nữa là hiện nay, chưa có quy trình toàn diện để hỗ trợ nạn nhân, bao gồm tiếp nhận, sàng lọc thông tin, đánh giá tâm lý, sức khỏe và nhu cầu của nạn nhân, lập kế hoạch hỗ trợ và thực hiện kế hoạch, đánh giá, điều chỉnh kế hoạch hỗ trợ cho đến khi nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Những quy định hiện hành mới chỉ tập trung vào các chế độ hỗ trợ và trách nhiệm thực hiện việc hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức.
Do đó, để làm tốt công tác hỗ trợ, bà Khuất Thị Huyền kiến nghị giao Chính phủ ban hành quy trình toàn diện này. Bà cũng đề xuất ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ hỗ trợ để trên cơ sở đó xây dựng đơn giá dịch vụ, từ đó cơ quan nhà nước có thể đặt hàng các cơ sở tư nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.
“Chúng tôi hầu như không hỗ trợ được gì” Ông Lê Trung Thực - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An - cho biết, trung tâm này có nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán nhưng đến nay, mới chỉ nhận nuôi được bé gái 6 tuổi không rõ quê quán, được công an bàn giao sau khi giải cứu. Ông nói: “Sau khi được giải cứu, hầu hết nạn nhân bị lừa bán được công an đưa về địa phương rồi bàn giao cho gia đình nên chúng tôi cũng không hỗ trợ được gì cho họ. Chúng tôi có nhiệm vụ đào tạo nghề cho các nạn nhân nếu họ có nhu cầu, nhưng không có nạn nhân nào liên hệ với chúng tôi nhờ hỗ trợ nghề sau khi được giải cứu”. Phan Ngọc Nhiều hạn chế trong việc hỗ trợ nạn nhân Ông Nguyễn Văn Pha - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - nhận định, công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân và tổ chức cho nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng còn hạn chế. Công tác phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân chủ yếu do các đơn vị chức năng cấp tỉnh thực hiện, cấp huyện và cơ sở vẫn chưa tham gia theo đúng quy định. Công tác hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân cũng chỉ tập trung vào nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại, y tế, tâm lý trong thời gian lưu trú ở cơ sở bảo trợ xã hội. Theo ông, một số địa phương, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân chưa bố trí được cán bộ làm công tác y tế, không bố trí được khu vực riêng dành cho nạn nhân, nhiều nạn nhân không được trợ giúp pháp lý do không chứng minh được mình thuộc hộ nghèo. Mức phí hỗ trợ ban đầu còn thấp. Công tác dạy nghề, tạo việc làm để giúp nạn nhân tái hòa nhập hiện nay chưa thật sự bền vững. Hỗ trợ vay vốn là nội dung ít được thực hiện nhất trong số các chế độ hỗ trợ do nạn nhân không có tài sản thế chấp, không có khả năng lập kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh. Thu Lê |
Theo www.phunuonline.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()