Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:29 (GMT +7)
Nạn mua bán người vẫn nhức nhối từng ngày - Bài 3: Gian nan đường về nước của nạn nhân
Thứ 7, 14/10/2023 | 10:00:00 [GMT +7] A A
Sau khi bị lừa bằng mồi nhử “lương cao”, nhiều nạn nhân bị bán vào các công ty trong các đặc khu kinh tế ở Lào, Campuchia. Do hoạt động mua bán người diễn ra ở nước ngoài nên việc điều tra, giải cứu gặp nhiều khó khăn và con đường trở về gia đình của nạn nhân cũng rất gian nan.
Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước phát hiện 88 vụ mua bán người với 229 tội phạm, 224 nạn nhân, tương đương cả năm 2022 (90 vụ, 247 tội phạm, 222 nạn nhân). Mua bán người đang diễn ra khắp nơi, nạn nhân gồm cả trẻ em lẫn người lớn, nam lẫn nữ. Loạt bài của Báo Phụ nữ TPHCM phản ánh bức tranh toàn cảnh về vấn nạn này.
Mất mạng sau chuyến xuất ngoại
Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp - Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang - cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang đã xử lý hơn 100 vụ xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới tỉnh An Giang với gần 140 đối tượng. Trong số này, có những công dân Việt Nam trốn về nước sau khi bị bán cho chủ các công ty ở Campuchia, bị quản thúc và bóc lột sức lao động.
Ngày 25/8, tuần tra ở khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, lực lượng thuộc đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình phát hiện 4 người nhập cảnh trái phép. Những người này khai tên là Lê Minh Hoàn, 32 tuổi, thường trú ở tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Hữu Linh, 32 tuổi, ở tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Văn Tuấn, 41 tuổi, ở tỉnh Hải Dương; Phạm Thị Tình, 39 tuổi, ở tỉnh Ninh Bình. Thông qua mạng xã hội, thấy có dịch vụ đưa công dân Việt Nam vượt biên trái phép sang Đài Loan (Trung Quốc) bằng đường biển, xuất phát từ tỉnh An Giang hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu với giá 6.500 USD/người, Hoàn và Linh rủ thêm 3 người khác cùng đi.
Nhóm 5 người này sau đó bị đưa qua Campuchia để “quá cảnh” - theo lời của bọn tội phạm. Khi đến tỉnh Kandal (Campuchia), cả nhóm được thông báo nghỉ ngơi để chờ tàu đến rước, đưa qua Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng vừa vào nơi ở, cả nhóm bị những kẻ lạ mặt, bịt khẩu trang, đeo súng, dao, gậy khống chế, trói lại và đánh đập dã man. Chúng cướp tiền rồi lấy điện thoại của các nạn nhân gọi về cho gia đình nạn nhân ở Việt Nam đòi tiền chuộc.
Người thân của 3 nạn nhân Linh, Hoàn, Tình đã chuyển tổng cộng hơn 499 triệu đồng theo yêu cầu của bọn tội phạm, riêng người thân của Tuấn và Hoàng Văn Mùa (tỉnh Hải Dương) chưa chuyển tiền kịp. Tuấn và Mùa đã bị bọn chúng đánh dã man, Mùa bị chấn thương sọ não, tử vong. Sợ nguy hiểm tính mạng nên 4 người còn lại lợi dụng đêm tối cùng sự sơ hở của bọn chúng để trốn chạy về Việt Nam qua sông Bình Di.
Nhiều khó khăn khi giải cứu nạn nhân
Ông Nguyễn Văn Pha - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - nhận định, còn nhiều hạn chế, khó khăn trong công tác giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán. Trong một số vụ việc, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam với nhau và với nước bạn chưa thực sự chặt chẽ, nhịp nhàng nên nạn nhân phải nhờ gia đình nộp tiền chuộc hoặc tự giải cứu. Trong một số trường hợp, việc xác minh để cấp giấy xác nhận nạn nhân chưa kịp thời, ảnh hưởng đến việc hỗ trợ ban đầu.
Thượng tá Đinh Văn Trình - Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an - cho rằng, việc phối hợp với các cơ quan chức năng của các nước để giải cứu nạn nhân gặp nhiều khó khăn. Hành vi mua bán người chủ yếu diễn ra dưới hình thức đưa nạn nhân ra nước ngoài nên cần có sự phối hợp với lực lượng chức năng các nước để thu thập thông tin, xác minh, điều tra. Tuy nhiên, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các văn bản hướng dẫn chưa quy định thời hạn thực hiện, nên việc trả lời ủy thác điều tra của phía nước bạn thường chậm, kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ điều tra và giải cứu nạn nhân. Tiêu chí để xác định hành vi mua bán người của Việt Nam và các nước cũng chưa đồng nhất nên có nhiều vụ án bị kéo dài hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra.
Ông Võ Văn Buôl - Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh - cho biết, tội phạm mua bán người thường núp dưới vỏ bọc hợp pháp như xuất cảnh du lịch, thăm người thân, xuất khẩu lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài… nên rất khó phát hiện, ngăn chặn. Hành vi mua bán người được thực hiện ở nước ngoài nên việc điều tra rất khó khăn. Việc ngăn chặn các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân cũng khó khăn do máy chủ được đặt ở nước ngoài. Việc điều tra, xử lý kẻ chủ mưu cũng khó khăn do các đối tượng này điều phối đường dây từ nước ngoài.
“Việc mua bán công dân Việt Nam diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên quá trình thu thập chứng cứ, điều tra, xử lý tội phạm, giải cứu nạn nhân rất gian nan. Gần đây, có nhiều nạn nhân bị bán, bị cưỡng bức lao động trong các đặc khu của Trung Quốc ở Campuchia nên các cơ quan chức năng của Việt Nam rất khó can thiệp để bảo hộ công dân nước mình” - ông Võ Văn Buôl nói.
Sang Myanmar, bị ép lừa đảo qua mạng
Ngày 25/8/2023, Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu anh T. khỏi đường dây lừa đảo ở Myanmar, đưa về TP Hà Nội. 12 ngày sau, anh T. được trở về với gia đình ở tỉnh Bạc Liêu an toàn.
Trước đó, khi đang hành nghề xe ôm, anh T. quen một phụ nữ người Myanmar. Cô này giới thiệu có công ty ở Myanmar cần người làm với thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng. Tin lời, anh đi theo người này, nhưng khi sang Myanmar, anh T. bị nhốt vào một khu tập thể, bị ép làm công việc lừa đảo qua mạng. Khi không làm được việc, anh T. bị đánh đập và bỏ đói. Trong một lần thấy người canh gác sơ hở, anh T. đã trốn ra ngoài và gặp được một phụ nữ Việt Nam, nhờ liên lạc về nước.
Mất đôi chân sau hành trình trốn khỏi bọn buôn người
Năm 2017, chị Lữ Thị Tím - 39 tuổi, ở xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - được đưa về nước trong tình trạng không còn đôi chân.
Cuối năm 2011, chị Tím được một phụ nữ cùng xã dụ sang Lào thêu váy thuê với thù lao hậu hĩnh. Sau khi chào tạm biệt gia đình để lên xe sang Lào, chị Tím được người phụ nữ trên cho uống một viên thuốc “chống say xe” rồi ngủ thiếp đi. Khi tỉnh lại, chị Tím mới biết mình bị lừa, đưa sang Trung Quốc chuẩn bị bán làm vợ. Chị Tím nhất quyết không chịu rồi lợi dụng sơ hở, chạy trốn vào rừng. Chị kể, lúc đó, chị chỉ nghĩ làm sao chạy thật nhanh, thật xa nơi mình bị giam cầm. Trời rất lạnh, tuyết phủ trắng xóa cả khu rừng nhưng chị vẫn cứ thế chạy cho đến khi ngất đi.
Sau đó, chị Tím được một cặp vợ chồng người bản địa bắt gặp, giúp sưởi ấm rồi gọi điện cho bác sĩ, công an đến hỗ trợ. Chị Tím được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng do vùi chân trong tuyết lạnh quá lâu nên máu đông cứng, không lưu thông được, buộc phải cắt chân để giữ tính mạng. Sau khi sức khỏe dần hồi phục, chị được các cơ quan chức năng sở tại chuyển đến trung tâm chăm sóc người tàn tật. Do không quen biết ai, không biết tiếng Trung Quốc nên mãi đến năm 2017, chị mới được đưa về nước.
Theo phunuonline.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()